Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu họp báo ngày 29/8, ông Muhadjir cho hay ASCC-30 đã thảo luận các vấn đề thuộc trụ cột văn hóa-xã hội dự kiến được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, trong đó có các vấn đề liên quan đến điều dưỡng viên hoặc nhân viên chăm sóc.
Về phần mình, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết hội nghị đã thảo luận về định hướng chiến lược của ASCC trong việc thúc đẩy một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững. Đây cũng là nơi trao đổi quan điểm về việc hình thành một ASCC vững mạnh và bao trùm sau năm 2025.
Theo người đứng đầu Ban Thư ký ASEAN, ASCC-30 đánh giá cao sự lãnh đạo của Indonesia trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2023 và Hội đồng ASCC, đồng thời khẳng định cam kết ủng hộ Lào đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2024.
Trong khi đó, Cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Điều phối Phát triển Con người và Văn hóa Indonesia Joko Kusnanto Anggoro cho rằng các tuyên bố và văn kiện liên quan đến các vấn đề văn hóa-xã hội tại ASEAN trong năm nay được đánh giá là rất thiết thực, như xóa đói giảm nghèo, giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, phát triển công bằng, các vấn đề về giới…
Ông Joko khẳng định Chủ tịch ASEAN Indonesia năm 2023 cũng nỗ lực đưa các vấn đề liên quan đến văn hóa và xã hội trở thành một trong những trụ cột quan trọng tiếp tục được triển khai trong các nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN tiếp theo.
Dưới sự chủ trì của Indonesia, trụ cột văn hóa-xã hội ASEAN có 5 trọng tâm chính, bao gồm trao quyền cho người khuyết tật, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng thích ứng của gia đình, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và khả năng thích ứng bền vững trước các thảm họa thiên tai.
Các vấn đề ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 trên trụ cột văn hóa-xã hội sẽ được nêu trong một số văn kiện dự kiến được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra từ ngày 5-7/9 tới tại Jakarta.