Theo đó, Thái Lan sẽ tập trung thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm vai trò trung tâm, phát triển đồng đều, không để ai tụt lại phía sau và tăng cường phát triển bền vững trong mọi khía cạnh. Tuyên bố cũng sẽ phác thảo kế hoạch thành lập một trung tâm giáo dục và nghiên cứu bền vững của ASEAN nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực để giảm sự bất bình đẳng và tăng cường hợp tác chống lại các mối đe dọa an ninh.
Lãnh đạo các nước ASEAN dự kiến cũng sẽ thông qua 7 văn kiện tại Hội nghị lần này, gồm dự thảo tuyên bố thực hành hỗ trợ lãnh sự, khung dự thảo cho Thành phố thông minh ASEAN, dự thảo Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 lồng ghép quyền cho người khuyết tật, dự thảo tuyên bố công nhận Ngày thanh niên ASEAN, một bản dự thảo tuyên bố về thân thiện với môi trường, một bản dự thảo về biến đổi khí hậu sẽ được đệ trình lên Liên hợp quốc và dự thảo tuyên bố về bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong 2 ngày tại Singapore, Thủ tướng Prayuth sẽ tham dự 14 hội nghị thượng đỉnh và 2 hoạt động với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN, 8 Đối tác đối thoại của ASEAN và khách mời của chủ tịch bao gồm Canada, Chile và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Thủ tướng Thái Lan cũng sẽ tổ chức các cuộc họp song phương với một số lãnh đạo các nước tham gia, tham dự Hội nghị cấp cao về Hợp tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần 2, cũng như gặp gỡ với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN.
Tại lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33, song song với việc tiếp nhận bàn giao chức Chủ tịch ASEAN từ Singapore, Thái Lan sẽ trình chiếu một đoạn video giới thiệu về chủ đề và những nội dung ưu tiên của năm ASEAN 2019.