Điều này đã ghi dấu thành công của nước chủ nhà Campuchia trong lần thứ 3 đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN sau 3 thập niên, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, nhất là những tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xung đột do cạnh tranh địa chính trị trên thế giới, cuộc khủng hoảng ở Myanmar...
Phóng viên TTXVN tại Phnom Penh có cuộc trao đổi với học giả Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia về những nỗ lực của nước chủ nhà và các nước thành viên ASEAN trong việc ứng phó với các thách thức chung, cũng như những đóng góp của Việt Nam trong năm Campuchia làm Chủ tịch ASEAN 2022.
Theo nhà nghiên cứu Uch Leang, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này và các hội nghị cấp cao liên quan khác, các bên tham gia đã cùng thảo luận những vấn đề trọng tâm về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN, quan hệ nội khối và đối ngoại, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực.
Liên quan các vấn đề khu vực, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề các hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho biết Campuchia đã chủ động và tích cực vận động các nước ASEAN tham gia đóng góp vào việc tìm kiếm giải pháp phù hợp cho vấn đề Myanmar và đẩy mạnh thực hiện Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về vấn đề Myanmar. Các nước thành viên đều thể hiện rõ lập trường và thái độ của mình trong vấn đề này, qua đó tạo được sự đồng thuận cao về việc tiếp tục duy trì các nguyên tắc cơ bản của ASEAN nhằm phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực cũng như đối với các vấn đề toàn cầu.
Chia sẻ quan điểm trên, nhà nghiên cứu Uch Leang cho rằng nước Chủ tịch ASEAN năm 2022 đã nỗ lực hết sức để thúc đẩy thực hiện nguyên tắc Đồng thuận 5 điểm của ASEAN cũng như cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân. Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN 2022 cũng đã nỗ lực thực thi nhiệm vụ của mình, nhằm cùng nhau giải quyết các thách thức, không bỏ rơi bất cứ thành viên nào trong "gia đình" ASEAN.
Học giả Uch Leang cho rằng thông qua những hoạt động trong năm Chủ tịch, Campuchia đã hết sức nỗ lực, đảm bảo các hội nghị diễn ra thành công, đạt kết quả tích cực, góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; đồng thời, đẩy mạnh quan hệ cùng có lợi giữa ASEAN với các đối tác, xử lý hài hòa, cân bằng các thách thức của ASEAN, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Nhà nghiên cứu cũng khẳng định: “Hội nghị lần này cho thấy tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ Campuchia được thể hiện một cách toàn diện, rõ nét. Đây là lần thứ 3, dấu ấn của Campuchia được ghi đậm trong quá trình 55 năm phát triển của ASEAN, từ chủ đề rất đúng và trúng là “ASEAN hành động - Cùng giải quyết các thách thức”.
Về những đóng góp của Việt Nam tại hội nghị lần này, là một học giả có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông của Viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, cho rằng Campuchia đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2022 cũng là năm kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Campuchia và Việt Nam (1967-2022) và Năm Hữu nghị Campuchia - Việt Nam 2022. Trong bối cảnh đó, hai bên đã tổ chức nhiều sự kiện nổi bật như Tuần lễ giao lưu văn hóa ở hai nước, lễ kỷ niệm 45 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, các chuyến thăm, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp giữa hai nước trong thời gian gần đây, cùng nhiều hoạt động hợp tác rất chặt chẽ trên mọi lĩnh vực, cũng như hợp tác trong khuôn khổ ASEAN.
Theo nhà nghiên cứu Uch Leang, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Campuchia trong các ngày 8 và 9/11 vừa qua, ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN, lãnh đạo hai nước đã nhất trí tôn trọng và thực hiện đầy đủ các điều ước về biên giới đã ký kết giữa hai nước, tiếp tục thúc đẩy đàm phán, cùng nỗ lực tìm kiếm giải pháp thỏa đáng đối với 16% đường biên giới trên đất liền chưa hoàn thành phân giới cắm mốc; đồng thời tiếp tục giải quyết các vấn đề phát sinh trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, góp phần xây dựng đường biên giới Campuchia-Việt Nam hòa bình, ổn định và hợp tác; tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương đúng với phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài”.
Nhà nghiên cứu lưu ý trong khuôn khổ chuyến thăm, hai Thủ tướng đã cùng chứng kiến lễ ký kết 11 văn kiện hợp tác giữa hai nước nhằm quyết tâm củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia, đưa hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn nữa. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đã đề ra trong Tuyên bố chung giữa Campuchia và Việt Nam trong những năm qua và năm 2022, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cùng giải quyết một cách hòa bình các vấn đề phát sinh giữa hai nước.
Trên tinh thần đó, học giả Uch Leang chia sẻ: “Là một nước bạn bè láng giềng, trong năm Chủ tịch ASEAN của Campuchia, Việt Nam luôn thể hiện vai trò của một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN, phối hợp rất chặt chẽ với nước chủ nhà Campuchia nhằm đảm bảo các hội nghị diễn ra thành công, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc và đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, vì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung”.