Theo KPL, tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 24, lãnh đạo các nước tham gia đánh giá cao quan hệ hợp tác ASEAN - Nhật Bản, cho rằng hai bên đã đạt được những thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo ASEAN cảm ơn những đóng góp của Nhật Bản trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là giúp đỡ trong việc phát triển nguồn nhân lực, tổ chức thực hiện Kế hoạch Tổng thể kết nối ASEAN 2025 và sáng kiến hội nhập ASEAN giai đoạn 2021-2025.
Lãnh đạo ASEAN cũng cảm ơn và đánh giá cao những hỗ trợ của Nhật Bản giúp ASEAN đối phó với sự lây lan của đại dịch COVID-19, đặc biệt là việc Nhật Bản đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 và 50 triệu USD cho việc thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED) và cung cấp thiết bị, vật tư y tế, vaccine cho các nước ASEAN, đặc biệt là Lào.
Nhật Bản tiếp tục cam kết hỗ trợ ASEAN trong ứng phó với đại dịch COVID-19, cũng như phục hồi hệ thống kinh tế hậu đại dịch COVID-19; tiếp tục tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, chuyển đổi số, viện trợ nhân đạo....
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Lào đã hoan nghênh và đánh giá cao quan hệ hợp tác song phương Lào - Nhật Bản; cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã tiếp tục giúp đỡ Lào trong suốt thời gian qua, góp phần quan trọng vào sự phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế - xã hội của đất nước Lào.
Theo KPL, tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Australia lần thứ nhất, các bên đã bày tỏ hài lòng về quan hệ ASEAN - Australia. Trong thời gian qua, Australia đã hỗ trợ và giúp đỡ ASEAN trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, kết nối khu vực, hội nhập ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN và giúp ASEAN đối phó với sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Hội nghị cũng hoan nghênh việc Chính phủ Australia đóng góp 1 triệu AUD (751.000 USD) cho Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN, 1 triệu AUD cho Kế hoạch phục hồi toàn diện ASEAN và 21 triệu AUD cho việc thành lập ACPHEED.
Hội nghị cam kết tiếp tục hợp tác trong một số lĩnh vực ưu tiên như y tế, bao gồm việc đối phó với đại dịch COVID-19, tăng cường kết nối kinh tế khu vực thông qua chuyển đổi số, giáo dục, hội nhập ASEAN, tổ chức thực hiện Sáng kiến Hội nhập ASEAN giai đoạn 2021-2025, phát triển bền vững và phát triển mạng lưới thành phố thông minh ASEAN. Lãnh đạo ASEAN và Australia cũng nhất trí trên nguyên tắc việc nâng cấp quan hệ hợp tác từ Đối tác chiến lược ASEAN-Australia lên thành Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Australia.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 24, lãnh đạo các nước đã đánh giá cao các kết quả hợp tác của ASEAN+3 trong thời gian qua. Hội nghị cũng bày tỏ hài lòng về hợp tác của các bên trong lĩnh vực phòng, chống và giải quyết các tác động của đại dịch COVID -19 đối với sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như đời sống của người dân.
Hội nghị nhất trí tăng cường hợp tác trong ASEAN+3 thông qua việc triển khai Kế hoạch Hành động (2018-2022) nhằm tăng tính hiệu quả; tiếp tục hợp tác để khôi phục kinh tế toàn diện thông qua việc duy trì chuỗi cung ứng và vận tải, chuyển đổi sang kinh tế kỹ thuật số, kết nối mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN, đảm bảo an ninh lương thực thông qua kho dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN +3, hợp tác tài chính, phát triển xanh, xóa đói giảm nghèo và đẩy nhanh việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố ASEAN+3 về hợp tác trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần của thanh niên và thiếu niên.
Tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 16, lãnh đạo các nước đã kiểm lại việc thực hiện các công việc trong 6 lĩnh vực ưu tiên của EAS, trong đó có tài chính, môi trường và năng lượng, giáo dục, y tế và các bệnh truyền nhiễm, quản lý thiên tai và kết nối.
Các nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục cùng nhau ngăn chặn, đối phó với sự lây lan của đại dịch COVID-19, tăng cường nỗ lực hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID -19 và phát triển khu vực theo hướng ngày càng bền vững, trong đó tập trung đẩy mạnh cơ chế hợp tác đa phương, tăng cường kết nối kinh tế khu vực, chuyển đổi sang kinh tế kỹ thuật số, kết nối và khôi phục việc đi lại của người dân, khách du lịch, thương mại và đầu tư.
Hội nghị cũng thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế nổi bật mà các bên cùng quan tâm; nhất trí rằng trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến nhanh chóng và phức tạp cùng với các thách thức như dịch bệnh, thảm họa thiên tai... EAS cần tiếp tục là diễn đàn để các nhà lãnh đạo thảo luận về các vấn đề chiến lược, chính trị và kinh tế mà các bên cùng quan tâm và có lợi ích vì sự hợp tác tại khu vực Đông Á.
Hội nghị cũng đã thông qua ba văn kiện gồm Tuyên bố của các nhà lãnh đạo EAS về hợp tác trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần. Tuyên bố của Lãnh đạo EAS về Tăng trưởng Kinh tế thông qua việc khôi phục lại ngành du lịch, Tuyên bố của Lãnh đạo EAS về Tái tạo Xanh vì một tương lai bền vững và khỏe mạnh.