Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Cấp cao ASEAN+3

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu tại các hội nghị

 

Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 19/11, tại thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia đã diễn ra các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ; Cấp cao ASEAN+3 đồng thời là Cấp cao kỷ niệm 15 năm hợp tác ASEAN+3 và Cấp cao ASEAN-Mỹ. Các hội nghị đã tập trung bàn việc tăng cường quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, nhất là việc hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng vào năm 2015. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các hội nghị và có các phát biểu quan trọng.


 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ tư từ trái sang) tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3. Ảnh: YONHAP/TTXVN

 

Tại các hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác đánh giá cao những tiến bộ đã đạt được và bàn các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác cả về bề rộng và chiều sâu, đáp ứng lợi ích chung của ASEAN và các đối tác. ASEAN cùng các nước nhất trí tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả các chương trình hành động giữa ASEAN với từng đối tác nhằm thúc đẩy hợp tác về tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, đến các vấn đề an ninh phi truyền thống và ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh an toàn hàng hải, chống cướp biển… ASEAN cùng các đối tác liên quan đánh giá cao quyết định chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).


Trao đổi về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác nhất trí cần tăng cường hơn nữa các nỗ lực hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển trong khu vực. Các nước ủng hộ một Bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định, không có vũ khí hạt nhân cũng như nỗ lực của các bên cải thiện quan hệ liên Triều, sớm nối lại Đàm phán sáu bên. Về Biển Đông, lãnh đạo các nước nhấn mạnh mối quan tâm, lợi ích chung và tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông, các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên hợp quốc năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).


Về định hướng quan hệ với từng đối tác liên quan, lãnh đạo các nước nhấn mạnh các điểm đáng chú ý sau:


* ASEAN-Trung Quốc: Hai bên đánh giá cao quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Trung Quốc và cần tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động giữa hai bên giai đoạn 2011-2015; nhấn mạnh ý nghĩa và việc thực hiện đầy đủ các hiệp định và thỏa thuận trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) vì lợi ích của cả hai bên, đồng thời phát huy hiệu quả của Trung tâm ASEAN-Trung Quốc trong hỗ trợ xúc tiến thương mại và đầu tư. Hai bên nhất trí phấn đấu đạt mục tiêu 500 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2015; tiếp tục đẩy mạnh 11 lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực, phát triển vùng Mê Công, giao thông, năng lượng, văn hóa, du lịch, y tế và môi trường. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (2002-2012), lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông qua một Tuyên bố chung khẳng định giá trị, tầm quan trọng và việc thực hiện đầy đủ DOC nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển LHQ năm 1982; đồng thời cùng hướng tới xây dựng COC.


* ASEAN-Nhật Bản: Tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác ASEAN-Nhật Bản vì thịnh vượng chung và Kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015; đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch thương mại hai bên (hiện là 273 tỉ USD) và thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại về dịch vụ và đầu tư, mở rộng phạm vi hiệu lực của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP); tăng cường kết nối ASEAN-Nhật Bản; triển khai các sáng kiến hợp tác mới về giao thông - vận tải, sử dụng năng lượng xanh, hợp tác lao động cũng như tăng cường hợp tác biển và đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 của LHQ. Nhật Bản khẳng định tiếp tục hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN về quản lý thảm họa (AHA); tăng cường hợp tác về phát triển ở Mê Công và về sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, Hành lang kinh tế Đông-Tây...


* ASEAN-Hàn Quốc: Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác triển khai Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng giai đoạn 2011-2013; khai thác tối đa các cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc; tăng cường hợp tác phát triển tiểu vùng, giáo dục, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động di cư, ứng phó với các thách thức đang đặt ra, nhất là về ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 của LHQ. Hàn Quốc cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN thực hiện Kế hoạch công tác IAI giai đoạn 2013-2017 với khoản hỗ trợ 10 triệu USD. Các nhà lãnh đạo nhất trí lấy năm 2014 là "Năm giao lưu ASEAN-Hàn Quốc". Hàn Quốc coi trọng hợp tác toàn diện với các nước Mê Công.


* ASEAN - Ấn Độ: Tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố về Đối tác ASEAN - Ấn Độ vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung giai đoạn 2010-2015; phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 200 tỷ USD vào năm 2022 và sớm hoàn thành đàm phán các Hiệp định Thương mại dịch vụ và đầu tư; tăng cường hợp tác kết nối và viễn thông nhằm thúc đẩy liên kết giữa ASEAN và khu vực Nam Á; đẩy mạnh hợp tác nông lâm nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, du lịch...; tăng cường phối hợp và hợp tác trên các vấn đề thuộc quan tâm chung của khu vực, trong đó có hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; bảo đảm an ninh biển, an toàn hàng hải ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, tổ chức Cấp cao kỷ niệm 20 năm Quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ tại Niu Đêli (Ấn Độ) từ ngày 20-21/12 tới nhằm tạo đà để phát triển mạnh mẽ quan hệ tốt đẹp hiện nay; đồng thời tiếp tục các hoạt động kỷ niệm thiết thực như Hội chợ kinh doanh ASEAN - Ấn Độ và diễu hành ô tô ASEAN-Ấn Độ…


* Hợp tác ASEAN+3: Tiếp tục các nỗ lực về liên kết Đông Á, triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về hợp tác Đông Á và Kế hoạch công tác ASEAN+3 giai đoạn 2007-2017; sớm nghiên cứu triển khai các khuyến nghị của Nhóm EAVG-II để thúc đẩy hợp tác, hướng tới xây dựng cộng đồng Đông Á; triển khai mở rộng Quỹ Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) lên 240 tỷ USD; phát triển Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO); thực hiện Hiệp định Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 cũng như sáng kiến về Hệ thống Thông tin an ninh lương thực ASEAN+3 nhằm đảm bảo an ninh lương thực ở khu vực. Lãnh đạo các nước ASEAN+3 đã thông qua Tuyên bố chung kỷ niệm 15 năm hợp tác ASEAN+3 và Tuyên bố Đối tác ASEAN+3 về kết nối.


* ASEAN-Mỹ: Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Quan hệ đối tác tăng cường ASEAN-Mỹ vì hòa bình và thịnh vượng giai đoạn 2011 - 2015; đề nghị nghiên cứu các kiến nghị trong Báo cáo của Nhóm các nhân vật nổi tiếng (EPG) ASEAN-Mỹ hướng tới nâng quan hệ ASEAN-Mỹ lên cấp Đối tác chiến lược, cũng như tiếp tục bàn việc triển khai các sáng kiến của Mỹ về gắn kết chiến lược châu Á-Thái Bình Dương, gắn kết kinh tế mở rộng với ASEAN…, qua đó đóng góp thiết thực cho hòa bình và phát triển thịnh vượng ở khu vực; tiếp tục thúc đẩy hợp tác về kết nối, khoa học và công nghệ, giáo dục, quản lý thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia. Mỹ khẳng định ủng hộ các nỗ lực của ASEAN về đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực, trong đó có hòa bình, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông, trong đó có Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN. Mỹ và các nước hạ nguồn Mê Công khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên (LMI), đánh giá cao việc Mỹ tăng cường hỗ trợ nguồn lực, đưa ra các sáng kiến về "Kết nối Mê Công". Lãnh đạo các nước ASEAN và Mỹ đã thông qua Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 4.


Phát biểu tại các hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh những ưu tiên chung của khu vực, đẩy mạnh nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN và việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực; đồng thời đề xuất nhiều biện pháp thiết thực nhằm triển khai hiệu quả và đúng hạn các chương trình, dự án hợp tác trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác về các mặt như kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, ứng phó với các thách thức đang nổi lên và các vấn đề an ninh phi truyền thống… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các đối tác tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, nhất là đẩy mạnh liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, trong đó có hợp tác về phát triển Tiểu vùng Mê Công và về bảo đảm sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, mở rộng hợp tác toàn diện giữa các nước Mê Công với các đối tác liên quan.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh việc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại các khuôn khổ, diễn đàn khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo của mình trong cấu trúc khu vực, thúc đẩy hợp tác với các đối tác vì các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực. Về Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc ủng hộ các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố về Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN và sớm đạt được COC, nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông; trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 của LHQ, trong đó có các quy định của Công ước về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển.


Trong trao đổi tại các hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao những kết quả đạt được trong hợp tác giữa ASEAN và các đối tác trên các lĩnh vực, trong đó các kết quả hợp tác quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc trong nhiệm kỳ điều phối của Việt Nam (7/2009-7/2012) trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, giáo dục, trao đổi văn hóa, cũng như trong việc triển khai DOC, hướng tới xây dựng COC. Thủ tướng hoan nghênh việc ASEAN-Trung Quốc thông qua Tuyên bố kỷ niệm 10 năm Tuyên bố DOC nhằm tiếp tục khẳng định giá trị, tầm quan trọng và việc thực hiện đầy đủ DOC, đóng góp vào đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển LHQ năm 1982; đồng thời cùng hướng tới xây dựng COC.


Ngày 20/11 sẽ diễn ra Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7, Đối thoại toàn cầu ASEAN và cuộc gặp của các nhà lãnh đạo các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).


* Bên lề Hội nghị Cấp cao hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 21 (ASEAN-21) và các hội nghị cấp cao liên quan tại Phnôm Pênh (Campuchia), chiều 19/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và gặp Thủ tướng Malaixia Najib Razak.

TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN