Đây là lần thứ 2 hội nghị G7 được tổ chức tại Nhật Bản trong vòng 8 năm qua với một chương trình nghị sự dày đặc. Một điểm nhấn nữa là sự kiện Tổng thống Obama tới thăm thành phố Hiroshima - biểu tượng đau thương của nước Nhật do Mỹ gây ra trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Nghị sự nóng
Hội nghị G7 lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp, kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Liên hợp quốc mới đây đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay xuống còn 2,4%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với báo cáo hồi tháng 12/2015 và tương đương với tốc độ tăng trưởng của năm 2015. Báo cáo cũng nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 có thể chỉ đạt mức 2,8%, trong khi hoạt động đầu tư yếu kém cùng với tốc độ tăng trưởng sản xuất chậm chạp cũng đặt ra gánh nặng đối với tiềm năng dài hạn của nền kinh tế toàn cầu. Tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 xuống còn 3,2%, giảm 0,2% so với dự báo trước đó. Đây là quý thứ 3 liên tiếp thể chế tài chính này hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu. Bối cảnh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới hiện nay thực sự là vấn đề "đau đầu" đối với tất cả các thành viên G7, đặt ra đòi hỏi phải tăng cường hợp tác để giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn.
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G7 tại Sendai, Nhật Bản ngày 21/5. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo G7 sẽ tập trung thảo luận về nạn trốn thuế và ngăn chặn các hoạt động hỗ trợ tài chính cho các tổ chức khủng bố. Vấn nạn trốn thuế đã thành tâm điểm chú ý sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama", trong khi nhiệm vụ chống khủng bố đang ngày càng trở nên cấp bách.
Trước đó, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 - diễn ra tại thành phố Sendai, vùng Tohoku ở miền Đông Bắc Nhật Bản ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 - đã nhất trí về sự cần thiết của việc sử dụng các chính sách tài chính, tiền tệ và cải cách cơ cấu để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc, đang bị chững lại. Tuy nhiên, các bên đã không thu hẹp được bất đồng khi một số nước, trong đó có Đức, vẫn do dự trong việc thúc đẩy chi tiêu công. Thất bại trong việc đạt được một chính sách phối hợp nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phủ bóng đen lên triển vọng đạt được sự đồng thuận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay.
Trong khi đó, chống biến đổi khí hậu đang ngày càng nổi lên là vấn đề khẩn cấp toàn cầu, và được dự báo sẽ chiếm nhiều thời gian thảo luận tại hội nghị G7. Trong tuyên bố chung bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7 tại thành phố Toyama, miền Trung Nhật Bản ngày 16/5 vừa qua, các đại biểu tham dự đã cam kết sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đạt được hồi tháng 12/2015 cũng như theo đuổi các hành động tham vọng nhằm sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả, trong đó có việc tái chế rác thải.
Hai hội nghị cấp bộ trưởng trong lĩnh vực tài chính và môi trường được tổ chức trước thềm hội nghị cấp cao cho thấy đây là những vấn đề "nóng" mà các nhà lãnh đạo G7 đang phải đối mặt và sẽ trở thành chủ đề chiếm nhiều thời lượng thảo luận nhất tại hội nghị lần này. Ngoài ra, an ninh hàng hải, cuộc chiến chống khủng bố, khủng hoảng người di cư, khả năng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ là những vấn đề thời sự nóng hổi bao trùm không gian thảo luận. Hội nghị cũng được xem là cơ hội để Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố những thành công ngoại giao của mình trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện.
Củng cố quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật
Rời Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama dẫn đầu phái đoàn Mỹ tới Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7. Không chỉ dự hội nghị để cùng bàn về các vấn đề thời sự nóng bỏng trên thế giới, chuyến thăm của ông Obama tới Nhật Bản còn nhằm củng cố mối quan hệ đồng minh song phương với quốc gia từng là cựu thù trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Theo kế hoạch, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe nhằm thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ. Ông cũng sẽ có chuyến thăm lịch sử tới thành phố Hiroshima, nơi đã phải hứng chịu quả bom nguyên tử do quân đội Mỹ thả xuống trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Như vậy, ông Obama sẽ trở thành vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Hiroshima. Hồi tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã tới thăm tượng đài tưởng niệm các nạn nhân trong vụ bom nguyên tử tại đây.
Tổng thống Obama khẳng định chuyến thăm thành phố Hiroshima của ông sẽ góp phần khẳng định quan hệ hữu nghị giữa hai cựu thù thời chiến tranh. Trả lời phỏng vấn hãng tin NHK của Nhật Bản, ông Obama nêu rõ trải qua quá khứ đau thương và hận thù, mối quan hệ Mỹ - Nhật Bản giờ đây đã trở thành một trong những quan hệ đối tác chặt chẽ nhất thế giới và hai nước giờ là những đồng minh gần gũi nhất của nhau. Chính giới Mỹ nhấn mạnh chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Hiroshima cho thấy cam kết của nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục thúc đẩy hòa bình và an ninh trong một thế giới không vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định đây là hình thức ông Obama khẳng định liên minh Mỹ - Nhật, trong bối cảnh Mỹ thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á. Theo quan sát của ông Philip Golub, Giáo sư Quan hệ Quốc tế trường Đại học Mỹ tại Paris, chuyến thăm của ông Obama còn có dụng ý "củng cố mối quan hệ song phương Mỹ - Nhật" vào thời điểm tình hình tại Biển Đông liên quan tới các nước cùng tuyên bố có chủ quyền tại khu vực đang căng thẳng.
Với một nghị sự dày đặc cả ở cấp độ đa phương (G7) và song phương, đặc biệt là trong quan hệ với Mỹ, rõ ràng nước chủ nhà Nhật Bản đang có một tuần lễ bận rộn với nhiệm vụ không dễ dàng là tập hợp tiếng nói chung thống nhất giữa các cường quốc cũng là để khẳng định vai trò của một nước lớn trong các vấn đề toàn cầu.