Truyền thông cho biết Thủ tướng Johnson dự kiến sẽ cam kết thêm 1 tỷ bảng Anh (1,3 tỷ USD) hỗ trợ tài chính cho các nước phát triển vào năm 2025 nếu nền kinh tế Anh tăng trưởng như dự báo. Khi đó, tổng cam kết hỗ trợ tài chính của Anh cho các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu sẽ tăng lên 12,6 tỷ bảng Anh vào năm 2025. Nhà lãnh đạo Anh dự kiến cũng sẽ đề nghị các quốc gia cam kết về việc loại bỏ than đá, chuyển sang sử dụng xe điện, chấm dứt nạn phá rừng và cam kết tài chính để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: "Nếu hôm nay chúng ta không nghiêm túc về biến đổi khí hậu thì sẽ quá muộn cho con em chúng ta làm như vậy trong tương lai".
Chính phủ Anh, quốc gia cam kết chi 11,6 tỷ bảng Anh (15,9 tỉ USD) tài trợ cho đối phó với biến đổi khí hậu trong 5 năm tới, đã cam kết không phát thải ròng muộn nhất là vào năm 2050.
Theo mục tiêu được đặt ra từ năm 2009, các nước phát triển cam kết sẽ đóng góp 100 tỷ USD/năm trong vòng 5 năm và hoàn thành vào năm 2020. Việc mục tiêu này bị lùi thêm 3 năm có thể gây mất lòng tin và làm phức tạp thêm các nỗ lực xác lập mục tiêu mới về đóng góp tài chính cho chống biến đổi khí hậu.
Theo Hiệp định Paris được ký kết tại Hội nghị COP21 ở thủ đô nước Pháp năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C hoặc càng gần mức 1,5 độ C càng tốt. Kể từ Cách mạng Công nghiệp, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1 độ C và chỉ có việc cắt giảm khí thải nghiêm ngặt mới giữ được mức tăng đó ở ngưỡng 1,5 độ C.
Một báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới được công bố vào đúng ngày khai mạc Hội nghị COP26, 31/10, cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan, gồm các đợt nắng nóng và lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra thường xuyên hơn, và từ năm 2015 đến nay thế giới đã trải qua 7 năm liền nóng nhất trong lịch sử.