Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Thủ tướng Scott Morrison cho rằng các nhà khoa học sẽ đưa ra giải pháp cho vấn đề khí hậu và các lãnh đạo chính phủ có nhiệm vụ hỗ trợ họ. Ông nêu rõ Australia đặt mục tiêu phát triển công nghệ hydro sạch, năng lượng Mặt Trời chi phí thấp, sản xuất thép và nhôm carbon thấp, lưu trữ năng lượng, thu giữ và lưu trữ carbon.
Tuy nhiên, Thủ tướng Australia nhấn mạnh để áp dụng thành công trên toàn thế giới, các giải pháp công nghệ sạch phải có chi phí cạnh tranh so với các công nghệ hiện nay, đồng thời việc áp dụng các công nghệ này cần đảm bảo không làm ảnh hưởng đến sinh kế và cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Liên quan đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, ông Morrison cho biết Australia đã thành công trong việc cắt giảm hơn 20 % lượng khí phát thải kể từ năm 2005 nhờ sử dụng năng lượng Mặt Trời và đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo. Đến năm 2030, lượng khí thải ròng của Australia sẽ giảm 35%, vượt xa so với cam kết ban đầu là 26-28%.
Người đứng đầu Chính phủ Australia khẳng định nước này đang đi đầu trong chính sách cắt giảm lượng khí thải nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong nước cũng như trên toàn cầu.
Cũng trong phiên họp ngày 1/11 của Hội nghị COP26, Thủ tướng Morrison thông báo Australia sẽ dành thêm 500 triệu AUD (340 triệu USD) hỗ trợ giải quyết vấn đề khí hậu quốc tế, giải ngân trực tiếp qua các dự án tại Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Dự kiến, khoản tài trợ trên sẽ được Canberra chuyển trực tiếp đến các nước Thái Bình Dương và Đông Nam Á để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, thông qua các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường sá, trường học và cầu. Đây là cam kết tài chính mới nhất mà Australia dành cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với tổng số tiền lên tới 2 tỷ AUD (1,36 tỷ USD) cho giai đoạn 2020-2025, gấp đôi giai đoạn 5 năm trước đó.
Ngoài ra, bên lề Hội nghị COP26, Thủ tướng Morrison đã ký một biên bản thỏa thuận với người đồng cấp Fiji Frank Bainimarama nhằm phát triển thị trường carbon, qua đó đưa Fiji trở thành quốc gia đầu tiên tham gia chương trình trung hòa carbon tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Australia đề xuất.
Trước thềm Hội nghị COP26, lãnh đạo các nước khu vực Thái Bình Dương đã lên tiếng cảnh báo khu vực này đang phải đối mặt với nguy cơ nước biển dâng cao gây lũ lụt và thiên tai do quá trình ấm lên của Trái Đất, kêu gọi Canberra thúc đẩy mục tiêu giảm phát thải tham vọng hơn vào năm 2030.
Theo lộ trình được Chính phủ Australia công bố, Australia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, nhưng vẫn giữ nguyên cam kết hiện tại đối với thời hạn đến năm 2030 là cắt giảm 26-28% lượng khí thải so với mức của năm 2005.