Hội nghị có sự tham dự trực tiếp của hầu hết các lãnh đạo nhóm G20, đại diện Liên minh châu Âu (EU), các tổ chức quốc tế lớn cùng với Tây Ban Nha và một số quốc gia khách mời khác. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn Mexico cử Ngoại trưởng Realiza Ebrard làm đại diện.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, chương trình Hội nghị dự kiến sẽ xoay quanh ba chủ đề trọng tâm. Trước tiên, Hội nghị tập trung đánh giá những tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 và cách thức ứng phó trên toàn cầu, trong đó nhấn mạnh hiệu quả tích cực của các chiến dịch tiêm chủng. Đặc biệt, Hội nghị sẽ phải tìm cách đáp ứng yêu cầu cấp bách đặt ra về cải thiện khả năng tiếp cận vaccine bình đẳng hơn giữa các quốc gia, khu vực nhằm đạt được mục tiêu bao phủ vaccine cho 40% dân số thế giới vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022.
Chủ đề trọng tâm tiếp theo sẽ là cuộc chiến chống biến đối khí hậu với những mục tiêu đầy tham vọng mà các thành viên G20 đã cam kết thực hiện về cắt giảm khí thải và tăng cường viện trợ tài chính cho các quốc gia chịu nhiều tác động nhất. Trên lĩnh vực này, kết quả tại Hội nghị còn là tiền đề quan trọng góp phần vào sự thành công cho Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) sắp diễn ra tại Glasgow, Scotland.
Cuối cùng là việc tìm ra hướng đi cho nền kinh tế thế giới trong bối cảnh triển vọng phục hồi còn rất mong manh và thiếu đồng đều. Bối cảnh đó đòi hỏi G20 cần thể hiện vai trò đầu tàu nhằm tái thúc đẩy các chuỗi cung ứng, tăng cường đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu sau đại dịch.
Ngoài ra, tình hình tiếp diễn bất ổn tại Afghanistan kéo theo nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo, khủng bố quốc tế dự kiến cũng sẽ được Italy ưu tiên đưa vào các cuộc thảo luận tại Hội nghị.
Diễn ra trong hai ngày, Hội nghị được kỳ vọng có thể giúp các nước thành viên G20 đi đến những giải pháp thống nhất, đồng bộ trong việc tiếp tục ứng phó hiệu quả với những thách thức ngày càng nghiêm trọng, cấp bách đối với nhân loại. Trong khi đó, nước chủ nhà Italy đang dần khép lại một nhiệm kỳ thành công trên cương vị Chủ tịch luân phiên trong năm 2021 với việc xác định “Con người, Hành tinh và Sự thịnh vượng” là những mục tiêu xuyên suốt cho mọi hành động cần thúc đẩy của G20.