Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Italy, Tổng thống Widodo nhấn mạnh: “Chúng ta phải hành động ngay lập tức để tránh nguy cơ thế giới rơi vào khủng hoảng kéo dài. G20 cần thực hiện một số nỗ lực chung nhằm đạt được SDG trong 9 năm nữa”.
Cụ thể, Tổng thống Jokowi đề xuất xây dựng tình đoàn kết nhằm giúp các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất. Trong đó, sáng kiến đình chỉ nợ và phân bổ quyền rút vốn đặc biệt (SDR) với tổng trị giá 650 tỷ USD là động thái quan trọng nhằm tạo không gian chính sách cho các nước thu nhập thấp và trung bình để tập trung chống đại dịch.
Ngoài ra, ông Jokowi đề xuất tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu nhằm hỗ trợ tài chính và tiếp cận công nghệ cho các nước đang phát triển. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới khoảng cách tài chính vốn tăng từ mức 2.500 tỷ USD trước đây lên 4.200 tỷ USD mỗi năm hiện nay. Theo ông, việc huy động tài chính sáng tạo nhằm thu hẹp khoảng cách tài trợ SDG cần được thực hiện ngay lập tức. Theo đó, cần khuyến khích sự gia tăng bền vững các nguồn vốn đầu tư tư nhân nhằm tái khởi động nền kinh tế và tạo việc làm tại các nước đang phát triển.
Tổng thống Widodo cho rằng cần nâng cao năng lực thích ứng và khả năng chống chịu với các cú sốc và các tình huống không chắc chắn trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, năng lực tài khóa, năng lực lập kế hoạch và thực hiện phát triển. Ông cho biết Indonesia đã phát triển các chính sách nhằm nâng cao khả năng thích ứng của ngành giáo dục và cung cấp bảo trợ xã hội cho những người dễ bị tổn thương nhất và không có việc làm.
Nhà lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh G20 cần hợp tác giúp các nước tránh nguy cơ “mất mát thế hệ”. Theo ông, chỉ khi đó G20 mới có thể cùng nhau phục hồi để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, trong đó không ai bị để lại phía sau.