Dự kiến, hội nghị sẽ tập trung vào phi hạt nhân hóa Triều Tiên và các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, bên cạnh tình hình tại Venezuela, Iran cũng như sự phát triển của châu Phi và vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và giải quyết xung đột.
Diễn ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là một trong hai nội dung trọng tâm của hội nghị. Theo giới chức Nhật Bản, là đại diện của thành viên châu Á duy nhất trong G7, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono sẽ dẫn dắt các cuộc thảo luận về Triều Tiên và Trung Quốc.
Ông Kono sẽ tìm cách đạt sự thống nhất trong G7 về các nỗ lực toàn cầu nhằm thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) về Triều Tiên, coi đây là cách để buộc nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tại Dinard, Ngoại trưởng Kono cũng có kế hoạch kêu gọi sự ủng hộ của các đồng cấp G7 về việc giải quyết ngay vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc tại Triều Tiên.
Trong khi đó, một sự kiện đặc biệt khác xảy ra cách đây hai tuần, việc Italy trở thành thành viên đầu tiên trong G7 ký thỏa thuận tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc cũng sẽ là chủ đề được quan tâm nhiều tại hội nghị. Theo hãng tin Kyodo, G7 sẽ có thể ra lời kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp pháp quốc tế trong các yêu sách của Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo sẽ không tham dự Hội nghị, trong bối cảnh quan hệ giữa châu Âu và Mỹ rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài, đồng thời nội bộ G7 cũng tồn tại nhiều bất đồng. Bộ trên không nêu lý do cụ thể giải thích sự vắng mặt của ông Pompeo, song cho biết Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan sẽ đại diện Mỹ tham dự hội nghị cùng với nhà ngoại giao hàng đầu của nước này David Hale...
Hội nghị tại Dinard sẽ đặt nền tảng cho Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ngày 24-26/8 tại Biarritz, Pháp, trong đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang hy vọng thúc đẩy một chương trình nghị sự đầy tham vọng. Hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái ở Canada đã chứng kiến những chia rẽ sâu sắc trong tổ chức này khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rời hội nghị sớm, không ký tuyên bố chung của hội nghị và công khai chỉ trích Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau.