Hội nghị nhóm G7 kết thúc với thông điệp gửi tới Nga, Trung Quốc

Nhóm G7 đã hoàn tất cuộc họp trực tiếp đầu tiên sau hai năm gián đoán vì đại dịch, với thông điệp đáng chú ý chỉ trích Trung Quốc và Nga.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng đại diện các nước tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại London. Ảnh: AFP

Được thành lập vào năm 1975 như là một diễn đàn để các nước phương Tây giàu có thảo luận các chủ đề khủng hoảng, như lệnh cấm của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), các nước G7 trong tuần này đã hướng sự chú ý vào ba điểm được G7 coi là thách thức lớn nhất hiện tại: Nga, Trung Quốc và đại dịch COVID-19. 

Kết thúc cuộc họp trực tiếp ở London ngày 5/5 trong điều kiện giám sát chặt chẽ về y tế, Ngoại trưởng các nước G7 đã ra tuyên bố chung 12.400 từ. Tuyên bố cáo buộc Nga có ý hủy hoại các nền dân chủ và đe dọa Ukraine, chỉ trích Trung Quốc “lạm dụng nhân quyền” và sử dụng ảnh hưởng kinh tế để hăm dọa nước khác. 

Tuy nhiên, tuyên bố chung không đề cập đến hành động, bước đi cụ thể nào của G7 về trừng phạt hay ngăn chặn Nga, Trung Quốc. Các ngoại trưởng chỉ tuyên bố khái quát sẽ thúc đẩy nỗ lực tập thể để chặn chính sách đe nẹt kinh tế của Bắc Kinh, chống lại các chiến dịch truyền thông “tung tin giả” của Moskva. 

Liên quan đến Trung Quốc, Ngoại trưởng các nước G7 khẳng định ủng hộ Đài Loan/Trung Quốc tham gia vào các diễn đàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), đồng thời bày tỏ quan ngại trước bất kỳ hành động đơn phương nào có thể dẫn đến leo thang căng thẳng ở eo biển Đài Loan. 

Tuyên bố chung cũng nhắc đến việc G7 quan ngại sâu sắc trước việc Nga tiếp tục có những hành vi thiếu trách nhiệm”, gây mất ổn định. Nổi bật là việc Moskva gia tăng bố phòng quân sự ở Crimea và khu vực biên giới giáp Ukraine, kế đến là hành vi tấn công mạng và triển khai các chiến dịch tung tin sai lệch. Moskva nhiều lần cương quyết bác bỏ những cáo buộc này.

Về cuộc chiến chống COVID-19, nhóm G7 cam kết sẽ đẩy mạnh hợp tác với các công ty, tập đoàn y tế, dược phẩm để mở rộng năng lực sản xuất vaccine, nhưng không đề cập đến việc kêu gọi thực thi miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực bào chế, sản xuất vaccine. 

Tuyên bố chung của hội nghị cũng kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các hành động gây hấn và tham gia vào tiến trình ngoại giao với mục tiêu phi hạn nhân hóa rõ ràng. Tuyên bố nhấn mạnh cam kết của các nước G7 trong việc duy trì mục tiêu loại bỏ hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược được đối với các chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên phù hợp với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngoài ra, ngoại trưởng các nước G7 cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của Mỹ trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thông qua biện pháp ngoại giao.

Trước đó, tại cuộc hội đàm 3 bên diễn ra cùng ngày bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong đã nhấn mạnh nỗ lực đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.

Kết quả đạt được tại cuộc gặp Ngoại trưởng các nước G7 lần này sẽ là tiền đề để thiết lập chương trình nghị sự cho lãnh đạo, nguyên thủ các nước tại cuộc gặp thượng đỉnh của nhóm trong tháng tới ở Cornwall, tây nam nước Anh. Đây cũng là sự kiện đánh dấu màn ra mắt đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước thế giới. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (aljazeera)
Hội nghị Ngoại trưởng G7: Các nước cam kết mở rộng sản xuất vaccine ngừa COVID-19
Hội nghị Ngoại trưởng G7: Các nước cam kết mở rộng sản xuất vaccine ngừa COVID-19

Ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 5/5 cam kết sẽ có động thái để mở rộng quá trình sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19 với mức giá chấp nhận được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN