Sáng kiến mang tên "Thách thức nước sạch", do liên minh chính phủ các nước Colombia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mexico và Gabon khởi xướng, là dự án khôi phục sông và vùng đất ngập nước lớn nhất trong lịch sử.
Theo một tuyên bố trong Hội nghị Nước của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra tại thành phố New York (Mỹ), sáng kiến này nhằm mục tiêu đến năm 2030 khôi phục 300.000 km sông ngòi bị suy thoái - gấp hơn 7 lần chu vi Trái Đất, và 350 triệu ha các vùng đất ngập nước - lớn hơn diện tích Ấn Độ. Sáng kiến kêu gọi tất cả các chính phủ đề ra những mục tiêu khôi phục sông hồ quốc gia nhằm phục hồi các hệ sinh thái nước ngọt lành mạnh, có vai trò quan trọng, đáp ứng nhu cầu về nước và đảm bảo đa dạng sinh học.
Hiện chưa có thông tin chi tiết về cách thức tài trợ cho việc triển khai sáng kiến này.
Trong bối cảnh tình trạng thiếu nước ngày càng lan rộng trên toàn cầu do tiêu thụ quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái nước ngọt đang bị đe dọa nhiều nhất trên hành tinh. Ông Stuart Orr, Quản lý chương trình nước ngọt của Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF), nhấn mạnh minh chứng rõ ràng nhất về thiệt hại mà con người đã và đang gây ra đối với sông, hồ và những vùng đất ngập nước là mức suy giảm đáng báo động 83% quần thể các loài sinh vật nước ngọt kể từ năm 1970 đến nay. Tuy nhiên, ông nhận định rằng sáng kiến mới nói trên có thể "xoay chuyển tình thế này".
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), bà Inger Andersen, cho rằng các dòng sông, hồ và vùng đất ngập nước "khỏe mạnh" vốn là nền tảng cho xã hội và nền kinh tế của nhân loại, nhưng thường bị đánh giá thấp và bị bỏ qua. Cũng theo bà Anderson, mặc dù các quốc gia đã cam kết khôi phục 1 tỷ ha đất, nhưng sáng kiến "Thách thức nước sạch" là bước đầu tiên quan trọng trong việc hướng sự chú ý cần thiết vào các hệ sinh thái nước ngọt.
Cùng chung quan điểm, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề đa phương của Mexico, bà Martha Delgado Peralta, cho rằng các hệ sinh thái nước ngọt lành mạnh là trọng tâm của an ninh lương thực và nước, đồng thời giải quyết các khủng hoảng về khí hậu và thiên nhiên cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững.