Tại Hội nghị SOM, các Quan chức cao cấp ASEAN đã tích cực thảo luận và cơ bản thống nhất hướng triển khai các nội dung ưu tiên của ASEAN trong năm 2023, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi; nâng cao năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN; ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, tự cường y tế, ổn định tài chính-kinh tế… Theo đó, các nước ủng hộ đề xuất của Indonesia đẩy mạnh triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) với các sự kiện lớn sẽ được tổ chức trong năm nay như tăng cường vai trò của thanh niên trong phát triển số, thúc đẩy kinh doanh và đầu tư ASEAN, tăng cường hợp tác kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế sáng tạo.
Trao đổi về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nước rà soát, cập nhật tình hình và trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác thực chất, cùng có lợi giữa ASEAN với các đối tác đối thoại trên cơ sở phát huy vai trò trung tâm của ASEAN cũng như giá trị của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đặc biệt là thúc đẩy “văn hóa” tham vấn, đối thoại và định hình cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ. Bên cạnh đó, các nước cũng thảo luận và thống nhất hướng tiếp cận với đề xuất hợp tác mới với ASEAN của một số đối tác và tổ chức khu vực.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nước ASEAN nhấn mạnh cần duy trì đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò và tiếng nói trách nhiệm của ASEAN, nhất là trong bối cảnh khu vực và thế giới vẫn tiếp tục chứng kiến những biến động nhanh chóng, phức tạp và khó đoán định. Trên tinh thần đó, các nước nhất trí tiếp tục phát huy vai trò của ASEAN trong nỗ lực hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp khả thi, bền vững cho cuộc khủng hoảng hiện nay thông qua thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm; đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, quyết tâm xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển.
Cùng ngày, Cuộc họp lần thứ 15 Nhóm công tác Hội đồng điều phối ASEAN về việc Timor Leste xin gia nhập ASEAN (ACCWG-TL) đã diễn ra với sự tham dự của Quan chức cao cấp các nước ASEAN thuộc 3 Trụ cột Cộng đồng ASEAN. Các nước nhất trí tiếp tục hỗ trợ Timor Leste nâng cao năng lực, từng bước đáp ứng các tiêu chí thành viên của ASEAN, nhất là thông qua xây dựng một Lộ trình với các tiêu chí cụ thể; khuyến khích Timor Leste tích cực tham gia các chương trình, hoạt động phi chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực hiện có của ASEAN.
Phát biểu tại các Hội nghị, Đại sứ Vũ Hồ khẳng định sự ủng hộ và tinh thần sẵn sàng hợp tác của Việt Nam nhằm hiện thực hóa các nội dung hợp tác ưu tiên của nước Chủ tịch Indonesia nói riêng và ASEAN nói chung trong năm 2023; đề nghị ASEAN duy trì cách tiếp cận khách quan, cân bằng và khả năng tự chủ chiến lược để xử lý hài hòa, hiệu quả các vấn đề trong quan hệ với các đối tác cũng như các vấn đề quốc tế, khu vực phức tạp, có khả năng tác động tới tiến trình hợp tác và sự phát triển chung của ASEAN cũng như hoà bình, an ninh và ổn định khu vực.
Đại sứ cũng đề xuất ASEAN cần xây dựng một lộ trình thực tế và phù hợp để hỗ trợ Timor Leste chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc gia nhập ASEAN, đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các nước giúp Timor Leste nâng cao năng lực đáp ứng nghĩa vụ của một thành viên ASEAN.
Về Biển Đông, Đại sứ tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Bên cạnh đó, các nước cũng cần xây dựng cách tiếp cận mới, phù hợp với tình hình hiện tại trong quá trình xây dựng COC.
Ngày 7-8/3, các Quan chức Cao cấp ASEAN sẽ dự loạt hội nghị với các đối tác gồm SOM ASEAN+3, SOM Cấp cao Đông Á (EAS), Đối thoại ASEAN-Mỹ lần thứ 35 và SOM ASEAN-Ấn Độ lần thứ 25.