Lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 31/1 đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của khối trong năm 2012 tại Bỉ, trong đó 25 trong tổng số 27 nước thành viên (trừ Anh và Séc) đã nhất trí tham gia một hiệp ước tài chính mang tên "Hiệp ước ổn định, phối hợp và quản lý trong liên minh tài chính - tiền tệ" do Đức đề xuất.
Các nhà lãnh đạo EU chụp ảnh kỷ niệm tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Bỉ ngày 31/1/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Hiệp ước nói trên được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng chi tiêu quá đà ở khu vực sử dụng đồng euro và chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực. Hiệp ước có các quy định chặt chẽ về nợ công và các biện pháp trừng phạt những nước vi phạm. Với hiệp ước này, các nước trong khu vực đồng euro hi vọng sẽ khôi phục lại lòng tin của thị trường vào đồng tiền chung.
Mặc dù các quy định của hiệp ước chỉ áp dụng đối với 17 nước dùng đồng euro nhưng EU muốn được các thành viên khác trong khối ủng hộ với hi vọng rằng hiệp ước này sẽ được lồng ghép vào hiệp ước chính của EU.
Hiệp ước trên đã được Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi hoan nghênh. Ông Draghi cho rằng đây là bước đầu tiên tiến tới một liên minh tài chính và hiệp ước này chắc chắn sẽ tăng cường lòng tin trong khu vực đồng euro. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định, hiệp ước là "một bước đi nhỏ nhưng tích cực trên con đường phục hồi lòng tin". Thủ tướng Italia Mario Monti cho biết ông hài lòng với kết quả Hội nghị thượng đỉnh EU vì phần lớn các nước đã đồng ý ký kết hiệp ước trên.
Ngoài hiệp ước mới, lãnh đạo các nước EU cũng cam kết kích thích tăng trưởng kinh tế, dành ngân sách để huấn luyện thanh niên giúp họ dễ dàng hơn khi gia nhập lực lượng lao động, huy động vốn phát triển để tạo công ăn việc làm, giảm các rào cản trong kinh doanh tại cả 27 nước EU và đảm bảo các doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận tín dụng.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso khẳng định: "Chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa để kéo châu Âu ra khỏi cuộc khủng hoảng". Ông Barroso cho biết vẫn còn 82 tỷ euro vốn phát triển mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sử dụng. Ông cũng cho biết, Ủy ban châu Âu sẽ cử các nhóm hành động tới hỗ trợ 8 quốc gia có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao nhất.
Tuy nhiên, vấn đề nợ công Hy Lạp lại là một điểm gây tranh cãi khi cuộc thương lượng về tái cơ cấu nợ của nước này vẫn chưa đi đến hồi kết. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết ông hi vọng sẽ đạt được một thỏa thuận về giảm nợ cho Hy Lạp trong vòng vài ngày tới. Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos cũng hi vọng sẽ đạt được thỏa thuận với chủ nợ tư nhân về tái cơ cấu khoản nợ 200 tỷ euro và các điều kiện của gói cứu trợ thứ hai vào cuối tuần này.
Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã đặt các nhà lãnh đạo vào một tình thế khó khăn khi vừa phải giảm thâm hụt ngân sách, vừa phải trấn an các thị trường tài chính và các nhà đầu tư, vừa phải đối phó với tình trạng thất nghiệp tăng vọt do khủng hoảng. Thậm chí cả những nước mạnh nhất EU cũng không tránh khỏi khó khăn. Nhiều người lo sợ rằng châu Âu đang trên bờ vực một cuộc khủng hoảng nữa.
Thùy Dương