Đây là nhận định của Giáo sư Jenik Radon thuộc trường Quan hệ quốc tế, Đại học Columbia ở thành phố New York. Ông cũng đồng thời là luật sư, Giám đốc bộ phận của Công ty luật Radon, chuyên tư vấn cho nhiều chính phủ và các tập đoàn nước ngoài, trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với phóng viên TTXVN tại New York.
Theo nhận định của giáo sư Radon, tại hội nghị tới, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ thể hiện thái độ điềm đạm và hòa giải hơn, cho dù không thể giải quyết mọi bất đồng giữa hai nước hiện nay, ví dụ như vấn đề an ninh trên Biển Đông, bảo vệ bản quyền và sở hữu trí tuệ, thuế quan... Đây là những vấn đề chắc chắn sẽ được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh G20, song những vấn đề này cần có thời gian để giải quyết chứ không thể giải quyết trong "một sớm một chiều".
Giáo sư Radon cho rằng đặc biệt liên quan tới vấn đề thuế quan, giới chức hai nước cần phải tiến hành đàm phán để đạt được một thỏa thuận phù hợp nếu không hai bên đều sẽ bị thiệt hại bởi Mỹ là nước phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, còn Trung Quốc phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng thời gian gần đây và chưa có dấu hiệu nhượng bộ của các bên. Trong hơn 3 tháng qua, hai bên đã liên tiếp triển khai 3 gói áp thuế vào hàng hóa nhập khẩu của nhau và nâng quy mô áp thuế của các bên lên tới 360 tỷ USD với mức áp thuế bổ sung từ 5-25%.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sắp tới bên lề hội nghị G20 tại Argentina được kì vọng sẽ tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại hiện nay. Tuy nhiên, việc Mỹ quyết tâm buộc Trung Quốc phải "hành động thay đổi" như tuyên bố của Phó Tổng thống Mike Pence tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 ở Papua New Guinea mới đây, trong khi Trung Quốc tiếp tục bảo vệ chính sách thương mại của mình, khiến giới phân tích lo ngại nguy cơ Hội nghị thượng đỉnh G20 có thể cũng sẽ lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung, tương tự Hội nghị cấp cao APEC hồi trung tuần tháng 11 này.