Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh: “Chúng ta đã khởi đầu thập niên mới này trong một cuộc khủng hoảng xuất phát từ đại dịch COVID-19, với những tác động nghiêm trọng và dai dẳng đối với sức khỏe của người dân và các nền kinh tế. Mặc dù đã có những tia sáng hy vọng, với sự xuất hiện của các loại vaccine, sự kỳ vọng chung là cần phải có những nỗ lực lớn lao để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và đưa các nền kinh tế của chúng ta trở lại đà tăng trưởng bền vững”.
Nhà lãnh đạo Campuchia cho rằng với việc tập trung vào Khung hợp tác chiến lược Tiểu vùng sông Mekong 2030, những xu thế dài hạn và rộng rãi hơn đã bước vào giai đoạn quyết định và tác động đến toàn thế giới. Thủ tướng Hun Sen nêu rõ: “Chúng ta đã được cảnh báo về tình trạng khẩn cấp của biến đổi khí hậu, chúng ta đã cảm nhận được những tác động thực sự của các thảm họa tự nhiên đang trở nên ngày một tồi tệ. Chúng ta đang chứng kiến những mối đe dọa tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự nổi lên của chủ nghĩa đơn phương và chính sách bảo hộ mậu dịch”.
Khẳng định những thành tựu hợp tác đã được chứng minh trong khuôn khổ GMS thời gian qua và sự thích ứng của khu vực, nhà lãnh đạo Campuchia cho rằng các nước GMS có đủ năng lực để hành động một cách có trọng tâm để giải quyết những mối quan tâm chung. Ông khẳng định: “Giờ đây, hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhận thức rõ tầm quan trọng của hợp tác và các hành động tập thể. Có những mối đe dọa và khó khăn gặp phải đã ảnh hưởng và trải rộng qua khắp các đường biên giới và do đó cần phải có hành động chung. Tôi tin tưởng rằng những nỗ lực của chúng ta sẽ có giá trị đáng kể hơn hẳn những nỗ lực riêng rẽ của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề chung”.
Về những hành động chung này, Thủ tướng Hun Sen hối thúc tất cả các nước GMS cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác và cương quyết theo đuổi những chiến lược và ưu tiên hành động đã được phác thảo trong hai văn kiện mà các nhà lãnh đạo GMS đã thông qua trong ngày 9/9/2021.
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Thủ tướng Hun Sen khẳng định điều cốt yếu là phải thúc đẩy tình đoàn kết sâu rộng trên tinh thần chủ nghĩa đa phương nhằm đảm bảo cho quá trình hồi phục kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
Hội nghị GMS lần thứ 7 do Thủ tướng Campuchia Hun Sen chủ trì và có sự tham dự của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh, Chủ tịch điều hành Hội đồng Nhà nước Myanmar Min Ang Hlaing, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masatgusu Asakawa.
Chương trình của GMS dựa vào tham vấn và đối thoại giữa các thành viên GMS, trong đó tập trung vào các dự án ưu tiên ở tiểu vùng sông Mekong mở rộng, trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, viễn thông, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, thương mại, đầu tư tư nhân và nông nghiệp.