Thị trường mua bán khí thải carbon của Liên minh châu Âu (EU) là thị trường mua bán quyền phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đầu tiên trên thế giới. Đây được xem là "xương sống" của kế hoạch cắt giảm việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Đề án này buộc các nhà máy điện và ngành công nghiệp mua giấy phép khi các cơ sở này phát thải khí CO2.
Các công ty có thể mua và bán những "giấy phép phát thải khí CO2" này, được gọi là "giao dịch khí thải". Đây cũng là một trong các công cụ chính sách chính và quan trọng trong nỗ lực của EU nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong Nghị định thư Kyoto.
Trong phát biểu của mình, Chủ tịch von der Leyen cho biết EU sẽ mở rộng việc mua bán khí thải sang các lĩnh vực mới, như một phần của gói các chính sách sẽ đến hạn vào tháng 6 tới và được thiết kể nhằm "xanh hóa" mọi lĩnh vực kinh tế. Việc mua bán khí thải này sẽ không chỉ áp dụng trong lĩnh vực tạo năng lượng và ngành công nghiệp, mà còn cho phương tiện giao thông và các tòa nhà.
Bà nêu rõ: "Carbon phải có giá của nó, bởi thiên nhiên không thể trả giá (cho vấn đề phát thải khí carbon) thêm nữa". Trong ngày 22/4, giá phát thải khí carbon của EU đã tăng lên mức cao kỷ lục 47 euro/tấn (56,4 USD) sau khi EU đặt mục tiêu tham vọng hơn nhằm cắt giảm lượng khí thải trong thập kỷ này.
Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra những đề xuất và cam kết trong nỗ lực chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng thế giới cần tính tới yếu tố môi trường trong các chi phí dự trù của các dự án đầu tư và thương mại. Ông nêu rõ: "Hành động vì khí hậu có nghĩa là kiểm soát và quản lý ở cấp độ quốc tế. Nếu chúng ta không áp giá carbon, sẽ không có quá trình chuyển đổi (sang nền kinh tế xanh)". Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga có thể đề xuất ban hành các điều khoản và điều kiện ưu đãi dành cho các khoản đầu tư nước ngoài vào các dự án năng lượng sạch.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng các nước nên tôn trọng cam kết về giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu thay vì phá vỡ lời hứa. Ông đồng thời kêu gọi các nước phát triển có những nỗ lực cụ thể nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu. Theo ông, các nước phát triển không nên tạo ra các rào cản thương mại "xanh" để giúp các nước đang phát triển đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang phát triển xanh và carbon thấp.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho rằng bảo vệ môi trường đồng nghĩa với bảo vệ năng suất, kêu gọi loại bỏ các mô hình phát triển gây tổn hại hoặc phá hoại môi trường. Ông nhấn mạnh thế giới cần nỗ lực chung nhằm đảm bảo một môi trường lành mạnh để thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội trên toàn thế giới.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho biết nước này sẽ bắt đầu giảm tiêu thụ than đá trong giai đoạn 2026-2030 như một phần của nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính khiến khí hậu nóng lên. Ông nhấn mạnh Trung Quốc cam kết với mục tiêu đạt trung hòa cacbon vào năm 2060.
Về phần mình, Tổng thống Brazil Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố quốc gia Nam Mỹ này sẽ đạt được mục tiêu đưa lượng khí phát thải ròng về bằng 0 trong 10 năm. Ông cũng tái khẳng định cam kết chấm dứt nạn phá rừng bất hợp pháp vào năm 2030, điều này sẽ giúp giảm khoảng 50% lượng khí phát thải.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi hành động tập thể để chống lại biến đổi khí hậu, nhấn mạnh cộng đồng toàn cầu không có lựa chọn nào khác ngoài hành động để đối đầu với "cuộc khủng hoảng hiện hữu của thời đại". Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden nêu rõ: "Không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết cuộc khủng hoảng này". Ông cũng nhấn mạnh rằng tất cả các nước, đặc biệt là những nền kinh tế hàng đầu thế giới, cần phải đẩy mạnh vấn đề này. Tổng thống Biden lập luận rằng nền kinh tế các quốc gia đi theo "sự dẫn dắt" của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ có trở nên "linh hoạt và có tính cạnh tranh hơn", từ đó gặt hái được nhiều lợi ích trong tương lai.
Hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu diễn ra vào Ngày Trái Đất, được xem là một thách thức lớn đối với Tổng thống Biden trong việc thuyết phục cộng đồng toàn cầu ủng hộ một nỗ lực phối hợp nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Nhà Trắng muốn thông qua sự kiện này để công bố các mục tiêu phát thải mới của Mỹ, bao gồm việc cắt giảm lượng khí thải từ 50 đến 52% vào cuối thập kỷ so với mức năm 2005. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã công bố gói cơ sở hạ tầng và khí hậu trị giá 2.250 tỷ USD, trong đó kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào xe điện, hiện đại hóa lưới điện và nhiều mục tiêu quan trọng khác.