Tại hội nghị, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cùng lãnh đạo các nước trong khu vực thảo luận các biện pháp thúc đẩy kinh doanh, đồng thời cam kết Trung Quốc sẵn sàng mở cửa nền kinh tế và tôn trọng các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói: "Chúng tôi mong muốn hợp tác và sẽ tôn trọng các tiêu chuẩn của châu Âu. Chúng ta cần tăng cường hoạt động thương mại và liên kết các nền kinh tế với nhau."
Tại hội nghị này, Hy Lạp đã trở thành thành viên thứ 18 trong cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc và CEEC. Trước đây, cơ chế hợp tác giữa CEEC và Trung Quốc được biết tới là cơ chế hợp tác 16+1, gồm 16 nước Trung và Đông Âu và Trung Quốc. Nay với sự gia nhập của Hy Lạp, cơ chế này sẽ trở thành cơ chế hợp tác 17+1.
Hội nghị này diễn ra chỉ ba ngày sau cuộc họp thường niên các nhà lãnh đạo EU-Trung Quốc lần thứ 21 tại Brussels (Bỉ) giữa Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Hai bên đã ra tuyên bố chung, trong đó đặt mục tiêu hoàn tất Thỏa thuận Đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc trong năm 2020. EU-Trung Quốc đã hoan nghênh tiến triển, trao đổi trong đối thoại giữa hai bên cũng như cơ chế hợp tác về mạng 5G dựa trên Tuyên bố chung 5G, ký kết năm 2015, trong đó có việc hợp tác công nghệ giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhắc lại việc tôn trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản trong việc quản lý các mối quan hệ quốc tế; cam kết thực thi Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế, 3 trụ cột trong hệ thống LHQ gồm hòa bình, an ninh, phát triển và nhân quyền.
Về thương mại, EU-Trung Quốc kiên định ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, trong đó nòng cốt là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, cũng như cam kết thực thi các quy định của WTO. Theo tuyên bố chung, hai bên nhất trí tăng cường thảo luận củng cố các nguyên tắc quốc tế về việc trợ cấp, tiếp tục hợp tác giải quyết xung đột tại Cơ quan phúc thẩm WTO.
Ngoài ra, hai bên cũng nhấn mạnh sự ủng hộ đối với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhằm tiếp tục đóng vai trò tích cực như một diễn đàn hàng đầu về hợp tác tài chính và kinh tế quốc tế, cũng như nhất trí củng cố G20, theo tinh thần quan hệ đối tác và nguyên tắc đồng thuận, nhằm đóng góp hơn nữa cho việc duy trì cơ chế đa phương, thúc đẩy quản trị kinh tế toàn cầu, và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu.