Trong phát biểu, Tổng thống Joko Widodo đã nhắc lại cảnh báo của Liên hợp quốc rằng Trái Đất không còn trong tình trạng nóng lên toàn cầu mà đã bước vào “kỷ nguyên sôi sục toàn cầu” và kịch bản nhiệt độ tăng lên hơn 1,5 độ C sẽ gây thảm họa cho nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới.
Ông Joko Widodo nhấn mạnh: “Theo dự báo, 210 triệu người sẽ bị thiếu nước, 14% dân số phải hứng chịu nắng nóng, 290 triệu ngôi nhà sẽ bị nhấn chìm do nước biển dâng và 600 triệu người sẽ bị suy dinh dưỡng do mất mùa. Đó sẽ là mối đe dọa thực sự đối với tất cả chúng ta”.
Tổng thống Indonesia cho biết quốc gia này hoàn toàn cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng thông qua việc bổ sung năng lượng tái tạo mới trên quy mô lớn, nhờ có nhiều nguồn năng lượng xanh với tiềm năng ước đạt 3.600 GW.
Theo ông Joko Widodo, Indonesia có hơn 4.400 con sông có tiềm năng sản xuất điện và đây là tiềm năng to lớn mà quốc gia Đông Nam Á này có thể khai thác vì tương lai của Trái Đất và các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng này cũng đối mặt với nhiều thách thức như vị trí nguồn thủy điện ở xa nơi tiêu thụ. Do đó, Chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch tăng tốc xây dựng các đường dây truyền tải điện từ các địa điểm thủy điện đến các trung tâm kinh tế và công nghiệp.
Ngoài ra, Tổng thống Joko Widodo cho rằng các thách thức khác nằm ở vốn và chuyển giao công nghệ. Theo nhà lãnh đạo này, cả hai yếu tố này đều cần nguồn vốn đầu tư lớn và sự hợp tác với tất cả các cường quốc thủy điện trên thế giới.
Cuối cùng, Tổng thống Joko Widodo bày tỏ hy vọng rằng Hội nghị Thủy điện thế giới có thể trở thành diễn đàn hợp tác nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách và tăng cường đầu tư cho việc khai thác, sử dụng năng lượng nước vì một nền kinh tế xanh bền vững.
Với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng bền vững”, Hội nghị Thủy điện thế giới năm 2023 diễn ra từ ngày 31/10 - 2/11, dự kiến quy tụ trên 1.000 đại biểu, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia hàng đầu đến từ các chính phủ, thể chế tài chính, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Sự kiện này sẽ tập trung thảo luận về các khuyến nghị chính sách và tài chính nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch để trình lên Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28); tìm cách phá bỏ các rào cản đối với việc phát triển năng lượng tái tạo; cũng như thúc đẩy các cơ hội kinh doanh và kết nối.