Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, với chủ đề “Hỗ trợ cho tương lai của Syria và khu vực”, hội nghị đặt mục tiêu huy động nhiều hơn nữa trợ giúp của cộng đồng quốc tế để ủng hộ người dân Syria và tìm ra một giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc khủng hoảng mà nước này đang phải đối mặt, phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng bảo an LHQ.
Tiếp theo kết quả của hai hội nghị trước, hội nghị lần này đề cập những vấn đề quan trọng liên quan tới viện trợ nhân đạo, sự thích ứng mà những người Syria cũng như các cộng đồng tiếp nhận người tị nạn Syria phải đối mặt. Một sự quan tâm đặc biệt sẽ được dành cho các vấn đề mà những người phụ nữ Syria đang gặp phải.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết EU đã có những trao đổi với Đặc phái viên của LHQ về Syria Geir Pedersen. Không chỉ nhắm tới việc đảm bảo cam kết nhân đạo, EU và LHQ mong muốn hội nghị tìm ra cách thức hỗ trợ quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria cũng như xác định vai trò của LHQ trong việc hiện thực hóa sáng kiến này.
Những đại biểu tham dự hội nghị sẽ tái khẳng định sự ủng hộ chính trị và tài chính của cộng đồng quốc tế đối với những nước láng giềng của Syria, đặc biệt là Liban, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như những nỗ lực đang được Iraq và Ai Cập triển khai.
Đây sẽ là hội nghị quan trọng cho các cam kết ủng hộ người Syria và các nước khu vực diễn ra trong năm 2019. Hàng trăm tổ chức phi chính phủ cùng nhiều tổ chức xã hội dân sự của Syria, khu vực và quốc tế sẽ gặp nhau tại Brussels trong khuôn khổ những cuộc đối thoại. Dự kiến sẽ có hơn 1.000 đại biểu tham dự hội nghị.
Sự kiện được bắt đầu với cuộc thảo luận về những vấn đề chủ yếu mà Syria phải đối mặt và phản ứng của quốc tế đối với cuộc khủng hoảng. Nhiều cuộc đối thoại sẽ được tổ chức trong hai ngày 12 và 13 tại trụ sở của Nghị viện châu Âu ở Brussels. Kết quả của các cuộc thảo luận là đóng góp quan trọng cho Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao EU được tổ chức ngày 14/3. Dự kiến tại đây, các ngoại trưởng sẽ bàn thảo về nhiều khía cạnh liên quan tới cuộc khủng hoảng Syria và chính thức đưa ra công bố về các cam kết đóng góp.
Cuộc xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 9 trong khi vấn đề nhân đạo đang ngày càng trầm trọng hơn. Hơn 11 triệu người dân tại Syria vẫn cần sự trợ giúp khẩn cấp và hơn 5 triệu người khác đã phải bỏ đi lánh nạn ở nước ngoài. Tình hình tại các trại Rukban, Hajin, Al-Hol và khu vực Idlib đang rất nghiêm trọng sau khi việc leo thang quân sự đã gây ra các thảm họa nhân đạo.