Hôm nay, Trung Quốc phóng tàu Thần Châu 8

Theo kế hoạch, lúc 5 giờ 58 hôm nay (1/11) theo giờ Trung Quốc, tức 4 giờ 58 theo giờ Việt Nam, tàu vũ trụ không người lái Thần Châu 8 (Shenzhou 8) được phóng lên vũ trụ để thực hiện lần ghép nối đầu tiên với một môđun không gian, đưa Trung Quốc tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng một trạm vũ trụ của nước này vào năm 2020.

Tàu Thần Châu 8 được lắp ráp với tên lửa đẩy Trường Chinh CZ - 2F.  Ảnh: Internet.

Tại cuộc họp báo ngày 31/10, người phát ngôn của chương trình vũ trụ của Trung Quốc, bà Vũ Bình cho biết, tàu Thần Châu 8 – dài 9 mét, đường kính tối đa 2,8 mét và trọng lượng khi phóng là 8,082 tấn – được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy cải tiến Trường Chinh CZ - 2F (Long March CZ - 2F) từ Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan ở sa mạc phía đông bắc Gobi. Vụ phóng tàu lần này là một phần của chương trình đưa người lên vũ trụ được Trung Quốc triển khai từ tháng 1/1992, nhằm mục đích kiểm tra công nghệ lắp ghép trên quỹ đạo của một tàu vũ trụ với một môđun không gian, kiểm tra khả năng hoạt động của tàu vũ trụ và tên lửa đẩy cải tiến đồng thời thực hiện một số thí nghiệm khoa học. Thần Châu 8 được trang bị các thiết bị ghi lại hình ảnh thực tế và các thông số kỹ thuật trong thời gian tàu hoạt động trên vũ trụ.

Trong vòng 2 ngày sau khi được phóng lên vũ trụ, tàu Thần Châu 8 sẽ lắp ghép với Thiên Cung - 1 (Tiangong - 1), môđun phòng thí nghiệm không gian đầu tiên của Trung Quốc mới được phóng lên quỹ đạo ngày 29/9 vừa qua. Sau khi bay cùng nhau trong vũ trụ 12 ngày, Thần Châu 8 và Thiên Cung - 1 sẽ tách rời nhau trước khi lắp ghép với nhau lần thứ 2.

Hình ảnh minh họa tàu Thần Châu 8 lắp ghép với môđun Thiên Cung - 1. Ảnh: THX/ TTXVN


Cũng theo bà Vũ Bình, tàu Thần Châu 8 có những cải tiến đáng kể so với các phiên bản tàu vũ trụ không người lái trước như hơn 50% trong tổng số 600 linh kiện của tàu đã được thay đổi, 15% linh kiện có thiết kế mới. Những cải tiến này sẽ giúp nâng cao khả năng lắp ghép với môđun không gian cũng như khả năng vận hành và độ an toàn của tàu Thần Châu 8. Nhờ những cải tiến này, tàu Thần Châu 8 có thể kết nối với Thiên Cung - 1 trong 180 ngày.

Trong chuyến lên vũ trụ của Thần Châu 8, các nhà khoa học Trung Quốc và Đức sẽ phối hợp thực hiện 17 thí nghiệm khoa học, theo thỏa thuận giữa cơ quan Chương trình đưa người lên vũ trụ của Trung Quốc và Trung tâm vũ trụ Đức. Các thí nghiệm này gồm 10 thí nghiệm của Trung Quốc, 6 thí nghiệm của Đức và 1 thí nghiệm chung về hệ sinh thái trong không gian khép kín. Bà Vũ Bình cho biết, đây là lần đầu tiên Chương trình đưa người lên vũ trụ của Trung Quốc hợp tác với quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu về sự sống trên vũ trụ. Sự hợp tác là cơ hội để các nhà du hành vụ trụ Trung Quốc tiếp nhận những tri thức tiên tiến, đặc biệt là về các phương pháp nghiên cứu và quản lý các chuyến bay có người lên vũ trụ.

Sau Thần Châu 8, Trung Quốc dự định sẽ phóng tiếp tàu Thần Châu 9 và Thần Châu 10 trong năm 2012 để kết nối với Thiên Cung - 1. Bà Vũ Bình khẳng định, trong Thần Châu 9 và Thần Châu 10 sẽ có ít nhất một tàu có người lái. Hiện phi hành đoàn cho các chuyến bay này đã được lựa chọn (trong đó có 2 nữ phi hành gia) và đang tích cực luyện tập.

Chương trình đưa người lên vũ trụ của Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 1/1992, được tiến hành theo 3 giai đoạn. Năm 2003, Trung Quốc đã thực hiện thành công lần đưa người lên vũ trụ đầu tiên với tàu Thần Châu 5 mang theo phi hành gia Dương Lợi Vĩ, trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới (sau Mỹ và Nga) có khả năng tự đưa người lên vũ trụ. Năm 2008 ghi dấu một cột mốc quan trọng nữa là tàu Thần Châu 7 đưa 3 phi hành gia Trung Quốc lên vụ trụ, trong đó phi hành gia Trác Chí Cương đã thực hiện chuyến đi bộ ra ngoài không gian đầu tiên của người Trung Quốc. Bước tiếp theo mà Trung Quốc đang hướng tới là lắp đặt một trạm vũ trụ 60 tấn vào năm 2020, khi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) hết hạn hoạt động và theo kế hoạch sẽ bị đánh chìm xuống đại dương.

A.M (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN