Theo OCHA, Liên hợp quốc (LHQ) và các đối tác tiếp tục thực hiện các hoạt động nhân đạo khi tình hình an ninh cho phép. Hiện một số đối tác đang triển khai hoạt động này ở phạm vi hạn chế tại các thành phố Damascus, Tartous, Latakia và Raqqa. OCHA vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
Văn phòng này cho biết thêm ở phía Tây Bắc Syria, tình trạng thiếu bột mì và nhiên liệu đã khiến các tiệm bánh ở Aleppo phải đóng cửa. Nguồn cung cấp rau hạn chế. Một số khu phố đã báo cáo tình trạng mất điện. Giá nhiên liệu vẫn ở mức cao.
Các cuộc giao tranh gần Đập Tishreen ở tỉnh Aleppo đã kéo dài tình trạng mất điện kể từ ngày 10/12, ảnh hưởng đến hơn 400.000 người ở một số khu vực như thành phố Menbij và Kobani, làm gián đoạn việc tiếp cận nước và các dịch vụ quan trọng khác. Dù tình hình khó khăn trên thực tế nhưng LHQ và các đối tác đã cung cấp thực phẩm cho hơn 700.000 người ở Tây Bắc Syria kể từ khi căng thẳng leo thang hôm 27/11.
Tại Đông Bắc nước này, việc tiếp cận và phân phối nhân đạo vẫn còn nhiều thách thức. Các trạm kiểm soát đang hạn chế di chuyển ở các thành phố Raqqa, Tabqa, Hassakeh và Derik, nơi vẫn tiếp tục có báo cáo về tình trạng cướp bóc. Hơn 40.000 người phải di dời đang nương náu tại khoảng 200 trung tâm tạm trú. Các tổ chức nhân đạo đang phân phát thực phẩm, bộ dụng cụ vệ sinh, tiền mặt, đồng thời hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ em và cả những người trưởng thành.
Cùng ngày, chính quyền lâm thời Syria thông báo tất cả các cơ sở giáo dục công và tư sẽ mở cửa trở lại vào ngày 15/12 sau một thời gian gián đoạn do những biến động chính trị.
Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng, chính phủ lâm thời nhấn mạnh rằng các cơ sở giáo dục đã chuẩn bị đầy đủ để đảm bảo việc nối lại quá trình học tập. Giới phân tích nhận định rằng động thái mở cửa trở lại các trường học và trường đại học có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định lại cuộc sống.