Theo Cơ quan Vũ trụ Brazil (INPE), vệ tinh theo dõi đã phát hiện 5.373 đám cháy trong tháng 7 năm nay, tăng 396 vụ so với tháng 7/2021. Tuy nhiên, con số này đã giảm đáng kể so với mức kỷ lục 19.364 vụ vào tháng 7/2005.
Theo các chuyên gia, tháng 7 thường là thời điểm bắt đầu "mùa cháy rừng" ở Amazon, chủ yếu do nông dân và doanh nghiệp đốt rừng để giải phóng mặt bằng canh tác trong thời tiết khô nóng nên dễ dẫn đến cháy rừng.
Theo INPE, 2022 là một năm đáng lo ngại đối với Amazon - khu vực đóng vai trò quan trọng nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu, khi xảy ra tổng cộng 12.906 vụ cháy rừng từ đầu năm tới nay, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong diễn biến khác, ít nhất 2 người đã thiệt mạng do cháy rừng mang tên McKinney, tại bang California (Mỹ). Đây là đám cháy lớn nhất xảy ra tại bang này kể từ đầu năm tới nay, đe dọa cuộc sống của 8.000 người. Hàng trăm nhân viên cứu hỏa phải đối mặt với nguy hiểm khi nỗ lực sơ tán người dân, kiểm soát đám cháy đang lan nhanh do thời tiết khô hạn, gió thổi mạnh theo nhiều hướng và cả sét đánh.
Ước tính, đám cháy đã thiêu rụi khoảng 22.000 ha đất, phá hủy hơn 100 công trình kiến trúc, bao gồm nhà ở, các cửa hàng và trung tâm cộng đồng.
California, cùng với phần lớn miền Tây nước Mỹ, đang phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 1.000 năm qua.
Biến đổi khí hậu khiến hạn hán trầm trọng hơn, các đám cháy rừng cũng vì thế mà lan nhanh và có sức tàn phá nghiêm trọng hơn, trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài, giông tố, sét đánh, gió thổi mạnh cũng cản trở công tác cứu hỏa.
Một đám cháy khác mang tên Oak, bùng phát gần Công viên Quốc gia Yosemite (California), phá phá hủy hàng chục tòa nhà và buộc hàng nghìn người phải sơ tán.