Theo nguồn tin trên, tốc độ tiêm chủng vaccine trên thế giới đã ổn định hơn so với thời gian đầu triển khai chiến dịch này. Để đạt được mức tăng 1 tỷ liều lên mốc tiêm 6 tỷ liều vaccine, thế giới cần 29 ngày. Trước đó, thời gian các nước tăng từ 4 tỷ liều vaccine được tiêm lên mốc 5 tỷ liều là 26 ngày và các thế giới mất 30 ngày để tăng từ 3 tỷ liều lên 4 tỷ liều. Trong khi đó, để đạt được mốc 1 tỷ liều vaccine đầu tiên, thế giới cần đến 140 ngày.
Trong số hơn 6 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm chủng nói trên, có gần 40% (tương đương 2,18 tỷ liều) được tiêm ở Trung Quốc. Sau đó là Ấn Độ với 826,5 triệu liều và Mỹ với 6,8 triệu liều. Đây là 3 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới.
Trong số các nước có dân số từ 1 triệu người trở lên, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang đứng đầu về tỷ lệ tiêm chủng với 198 liều/100 người và hơn 81% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Tiếp đến là Uruguay với tỷ lệ 175 liều/100 người, Israel - 171 liều/100 người, Cuba - 163 liều/100 người, Qatar - 162 liều/100 người và Bồ Đào Nha - 154 liều/100 người. Trong số những nước này, một số nước đã bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường (mũi thứ 3).
Trong khi đó, hầu hết các quốc gia nghèo hơn hiện nay cũng đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, trong đó chủ yếu là dựa vào nguồn cung từ cơ chế chia sẻ vaccine COVAX. Độ bao phủ vaccine vẫn chưa đồng đều dù các nước đã đẩy mạnh chương trình tiêm chủng trong những tuần gần đây với sự hỗ trợ vaccine của các quốc gia giàu hơn.
Ở các quốc gia có thu nhập cao, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tiêm chủng trung bình ở mức 124 liều/100 người, trong khi tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 4 liều/100 người. Hiện 3 quốc gia trên thế giới chưa thông báo về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là Burundi, Eritrea và Triều Tiên.