Phóng viên TTXVN tại LHQ dẫn báo cáo tổng quan của tổ chức Landmine Monitor (Giám sát bom mìn) cho biết trong năm 2017 ghi nhận hàng nghìn nạn nhân bom mìn ở Ukraine, Iraq, Pakistan, Nigeria, Libya, Yemen và Myanmar. Đặc biệt, xung đột tại Afghanistan và Syria khiến số người thương vong do bom mìn ở 2 nước này tăng cao, trong đó 2.300 nạn nhân ở Afghanistan và hơn 1.900 nạn nhân ở Syria.
Số thương vong do bom mìn trong năm 2017 giảm so với năm 2016, tuy nhiên vẫn ở mức cao năm thứ 3 liên tiếp, với 87% nạn nhân là dân thường, trong đó trẻ em chiếm một nửa. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá số nạn nhân thương vong trên thực tế còn cao hơn nhiều so với con số được ghi nhận.
Tác giả của báo cáo trên, bà Loren Persi cho biết trong năm 2017, chi phí toàn cầu cho việc rà phá bom mìn là 700 triệu USD, tăng hơn 200 triệu USD, Tuy nhiên, sự hỗ trợ dành cho các nạn nhân bom mìn lại ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Bà Persi nêu rõ công việc rà phá bom mìn vẫn phải tiếp tục ở những nước mà các loại bom mìn đã tồn tại trong 50 năm qua, như Việt Nam, Lào và Campuchia.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh bom mìn là mối đe dọa đối với sức khỏe người dân, theo đó những người sống sót cần được đáp ứng đầy đủ về chăm sóc y tế. Nạn nhân sống sót sau tai nạn bom mìn với khuyết tật vĩnh viễn phải đối mặt với mặc cảm xã hội và môi trường, điều đó ngăn cản họ tham gia đầy đủ và bình đẳng trong cộng đồng.
Có 60 quốc gia được đánh giá là bị ô nhiễm bom mìn, hơn một nửa trong số đó đưa ra cam kết trong Hiệp ước cấm bom mìn là sẽ làm sạch bom mìn trong vòng 10 năm, tuy nhiên chỉ có 4 nước có khả năng đáp ứng được thời hạn cam kết trên. Báo cáo của tổ chức Landmine Monitor đánh giá Mauritania đã hoàn thành việc rà phá bom mìn vào năm 2017 và ước tính hầu hết các nước khác có thể hoàn thành vào năm 2025.