Giờ đây những thổ dân Antigua và Barbuda trên đảo Redona đã có thể ăn mừng sự hồi sinh kỳ diệu của hòn đảo từng một thời trơ trọi.
Địa điểm dài hàng dặm này đã chính thức được chính phủ Antigua và Barbuda chỉ định là khu vực được bảo tồn, đảm bảo vị thế của nó là nơi trú ngụ quan trọng cho các loài chim di cư và là "ngôi nhà" của các loài động thực vật nhằm bảo tồn cho thế hệ sau.
Khu bảo tồn hệ sinh thái Redonda thuộc Antigua và Barbuda, nằm phía đông vùng biển Caribe, bao gồm các cánh đồng cỏ xung quanh và rạn san hô, trải rộng trên diện tích khổng lồ 30.000 ha.
Vài năm trước hòn đảo này mang một diện mạo hoàn toàn khác, do sự xâm lấn của loài chuột đen cùng với những con dê đã gây ra sự mất cân bằng môi trường sống của những loài động vật và bò sát, gây ra sự héo mòn của thảm thực vật trên đảo. Redona dần trở nên tàn lụi và trơ trọi như một hòn đá khổng lồ giữa biển khơi.
Ngày nay, Redonda đang bùng nổ với sự đa dạng sinh học bao gồm hàng chục loài động thực vật trong danh sách đỏ, các đàn chim biển và thằn lằn đặc hữu.
Hòn đảo này sẽ đạt mục tiêu bảo vệ 30% thiên nhiên toàn cầu vào năm 2030.
Vào năm 2016, một cơ quan phi chính phủ địa phương mang tên Nhóm nhận thức Môi trường (EAG) đã làm việc cùng chính phủ Antigua và Barbuda và Tổ chức bảo tồn Động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) nhằm di dời đàn dê và diệt trừ chuột để giúp thảm thực vật sống lại, kéo theo sự gia tăng theo cấp số nhân của các loài động vật bản địa.
Giám đốc điều hành của EAG, Arica Hill mô tả tình trạng của hòn đảo sau chiến dịch là một "chiến thắng to lớn cho người Antigua và Barbuda".
Cô chia sẻ với báo chí rằng: “Đây là khu bảo tồn biển lớn nhất ở phía đông biển Caribe và là thành quả của công việc tuyệt vời mà các nhà bảo tồn môi trường thực hiện. Điều quan trọng hơn nữa là chính phủ cũng đã tin tưởng giao cho chúng tôi quản lý nó một cách hợp pháp".
Nhóm đang thực hiện các nghiên cứu với hy vọng giới thiệu lại các loài được tìm thấy ở Redonda từ nhiều năm trước, chẳng hạn như loài cú đào hang, một loài chim nhỏ màu cát làm tổ dưới lòng đất.
EAG cũng đang thiết lập một hệ thống quản lý mạnh mẽ để đảm bảo hòn đảo không có sinh vật xâm lấn. Điều đó bao gồm các camera giám sát để phát hiện chuột hoang, cũng như giám sát các hoạt động đánh bắt cá địa phương phải tuân thủ các hướng dẫn nghiêm ngặt.
Jenny Daltry, đại diện của FFI cho biết các đảo ở vùng biển Caribe phải đối mặt với tỷ lệ tuyệt chủng cao nhất trong lịch sử hiện đại, có nghĩa là việc khôi phục và bảo vệ các khu vực như Redonda là "rất quan trọng".
Kể từ khi những nỗ lực bắt đầu, 15 loài chim ngụ cư đã quay trở lại hòn đảo, trong khi số lượng loài thằn lằn đặc hữu như loài rồng đất Redonda đang có nguy cơ tuyệt chủng đã tăng vọt.
Shanna Challenger, tình nguyện viên của EAG cho biết cư dân địa phương từng mệnh danh Redonda là “tảng đá” nhưng này nó là nơi bảo vệ cho hàng trăm loại động thực vật đặc biệt.
"Với tư cách là một người Antigua và Barbuda, công trình này thật hoành tráng. Chúng tôi mãi mãi được ghi vào lịch sử của Redonda; tôi rất tự hào được góp phần vào việc này và nóng lòng muốn xem di sản của Redonda sẽ tiếp nối như thế nào trong tương lai" Shanna chia sẻ.
Đối với những hòn đảo nhỏ đang tồn tại ở ranh giới của biến đổi khí hậu, thành công của đảo Redonda chính là một tia sáng hiếm hoi giữa hàng loạt các thông tin tiêu cực về môi trường và cũng thắp sáng niềm tin cho sự phục hồi thảm xanh trái đất.