Cụ thể, tổng số ca nhiễm và tử vong tại Bỉ lần lượt là 33.573 và 4.440 ca. Đáng chú ý, 46% trong tổng số ca tử vong là những người sống tại các viện dưỡng lão. Chỉ riêng ngày 14/4, có tới 63% trong tổng số 283 ca tử vong do COVID-19 là tại các cơ sở chăm sóc cho người cao tuổi.
Bỉ là một trong số ít quốc gia châu Âu tính gộp các ca tử vong hằng ngày có liên quan tới virus SARS-CoV-2 không nhập viện hoặc có những triệu chứng nhiễm virus này nhưng chưa được xác nhận mắc COVID-19 vào danh sách tổng số ca tử vong trên cả nước. Điều này giúp lý giải tại sao một quốc gia nhỏ với 11,5 triệu dân như Bỉ lại là nước ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 5 tại châu Âu, trên cả các nước đông dân hơn như Đức và Hà Lan. Cũng theo Reuters, với tỷ lệ tử vong khoảng 12%, Bỉ sẽ có thể là quốc gia nhỏ tại châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19.
Quan chức phụ trách điều phối hoạt động ứng phó với đại dịch COVID-19 tại Bỉ, ông Philippe De Backer cho biết hiện các viện dưỡng lão của nước này đã có đủ khẩu trang y tế, song vẫn còn thiếu nguồn oxy cho các máy trợ thở. Mới đây, Chính phủ Bỉ cũng đã quyết định tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho tất cả các nhân viên và những người có mặt tại viện dưỡng lão. Quá trình này dự kiến kéo dài khoảng 3 tuần.
Các quan chức chính phủ cho biết căn cứ khoảng 11.000 lượt xét nghiệm được thực hiện trong ngày 14/4, có khoảng 20% trong số những người cao tuổi sống tại viện dưỡng lão và 14% trong tổng số nhân viên làm việc tại đây có kết quả dương tính.
Trong khi đó, Cơ quan Y tế quốc gia Anh ngày 15/4 ghi nhận thêm 761 ca tử vong do COVID-19 so với một ngày trước đó. Như vậy, tổng số ca tử vong vì căn bệnh này tại Anh hiện lên tới 12.8, cao thứ 5 trên thế giới chỉ sau Mỹ, Italy, Tây Ban Nha và Pháp.
Theo trang tin Sky News, ông Jeremy Richardson, Giám đốc điều hành Four Seasons Health Care - một trong những đơn vị độc lập lớn nhất chuyên cung cấp cơ sở chăm sóc người cao tuổi tại Anh - bày tỏ lo ngại rằng tỷ lệ nhiễm hoặc nghi nhiễm tại tất cả các viện dưỡng lão ở nước này có thể lên tới 60-70% và con số này cao hơn so với các số liệu được giới chức y tế Anh thông báo mới đây.
Trong diễn biến cùng ngày, tại một cuộc họp của chính phủ, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các vùng của nước này sẽ nhận được gói hỗ trợ bổ sung có tổng trị giá 200 tỷ ruble (2,7 tỷ USD). Các hãng hàng không trong nước cũng sẽ nhận được khoản cứu trợ bổ sung hơn 23 tỷ ruble (hơn 306 triệu USD) để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Tổng thống Putin nhấn mạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ đủ điều kiện để được nhận gói cứu trợ trực tiếp của nhà nước nhằm giúp nền kinh tế ứng phó với đại dịch COVID-19. Tính đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 24.490 ca nhiễm, trong đó có 198 ca tử vong.
Tại châu Á, Bộ Y tế Singapore ngày 15/4 xác nhận thêm 447 ca mới, nâng tổng số ca tại đảo quốc này lên 3.699 ca, mức tăng cao nhất trong một ngày. Đáng chú ý, 404 trong 447 ca mới có liên quan tới các khu nhà ở của lao động di cư.