Ngày 16/10 được Liên hợp quốc chọn là Ngày Lương thực Thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), châu Á chiếm phần lớn số lượng người bị thiếu dinh dưỡng trên toàn thế giới hiện nay, với 418 triệu người thiếu ăn, tương đương hơn 50% của cả thế giới.
Báo cáo của FAO cho biết, phần lớn người thiếu lương thực sinh sống ở Nam Á, với 305,7 triệu người; khu vực Đông Nam Á có 48,8 triệu người thiếu lương thực và Tây Á có 42,3 triệu người.
Vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, châu Á được ước tính có 361,3 triệu người bị suy dinh dưỡng.
Phát ngôn viên Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ James Belgrave cho biết: "Sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có nghĩa là các gia đình phải đối mặt với những quyết định thực sự khó khăn - họ có thể buộc phải bỏ bữa, ăn những thực phẩm ít dinh dưỡng hơn, ưu tiên thức ăn cho trẻ em hơn người lớn, hay rơi vào cảnh nợ tiền mua thực phẩm". "Trẻ em có thể bị suy dinh dưỡng, còi cọc, quá lùn, những ảnh hưởng kéo dài suốt đời các em”, ông nói thêm.
Ông Belgrave cho biết hầu hết các quốc gia ở châu Á nơi WFP hoạt động đã chứng kiến tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch tới nền kinh tế xã hội và các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão, lũ lụt.
Giáo sư kinh tế học ứng dụng Prabhu Pingali, Giám đốc Viện Tata-Cornell tại Đại học Cornell (Mỹ), lưu ý rằng sản xuất lương thực toàn cầu không bị ảnh hưởng bởi đại dịch và vì vậy nạn đói xảy ra là do người dân mất thu nhập.
"Không một quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nào bị sụt giảm sản lượng. Ấn Độ đã chứng kiến sản lượng ngũ cốc thu hoạch kỷ lục vào năm 2020 và 2021. Nguồn cung lương thực không phải là vấn đề ở hầu hết các nước châu Á. Vấn đề chính là khả năng tiếp cận lương thực do mất việc làm, chủ yếu ở những người lao động nhập cư với mức lương thấp, những người buộc phải trở về làng quê của họ”.
Tình hình ở một số quốc gia có vẻ ngày càng tuyệt vọng. Theo một cuộc khảo sát của Social Weather Stations, hơn 20 triệu người Philippines – chiếm 1/5 dân số - cho biết họ bị đói trong ba tháng đầu năm, gấp đôi so với trước đại dịch. Nhiều người nói rằng có những ngày họ không có gì để ăn, hoặc chỉ ăn một bữa trong ngày.
Tỷ lệ nghèo ở Malaysia cũng trở nên tồi tệ hơn đáng kể sau khi các đợt phong toả ảnh hưởng nặng nề đến nguồn thu nhập của nhiều lao động phi chính thức. Tháng trước, chính phủ tiết lộ rằng tỷ lệ nghèo tuyệt đối của Malaysia đã tăng lên 8,4% vào năm ngoái so với 5,6% của năm 2019. Con số này đồng nghĩa 580.000 hộ gia đình rơi vào nhóm thu nhập thấp hơn.
Nhà kinh tế Muhammed Abdul Khalid, giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu DM Analytics, nói rằng Malaysia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng quốc gia về tiếp cận lương thực và tình trạng suy dinh dưỡng trong các hộ gia đình nghèo. Tiến sĩ Muhammed cho biết: “20% trẻ em Malaysia bị suy dinh dưỡng, đây là vấn đề lớn nhất sẽ ảnh hưởng đến chúng ta về lâu dài”.
Nạn đói đặc biệt nghiêm trọng ở Ấn Độ, quốc gia này đã trượt 7 bậc xuống xếp thứ 101 / 116 quốc gia trong Chỉ số Đói Toàn cầu năm 2021 được công bố trong tuần này. Ấn Độ được xếp vào mức độ nạn đói "nghiêm trọng" và đứng sau Nepal (thứ 76), Pakistan (92) và Bangladesh (76). Báo cáo cho biết 15,3% dân số Ấn Độ và 17,3% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.