Tờ báo địa phương Yicai hôm 11/6 dẫn số liệu từ Bộ Dân chính Trung Quốc cho biết chỉ có 6,83 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn trong năm 2022, giảm 800.000 cặp so với năm trước đó.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin tình trạng giảm số cặp kết hôn trong năm 2022 duy trì xu hướng đã diễn ra trong thập niên qua. Bên cạnh đó, nó còn bị ảnh hưởng bởi quãng thời gian áp dụng quy định phong tỏa phòng dịch nghiêm ngặt tại nước này.
Một số tỉnh tại Trung Quốc đã kéo dài thời gian nghỉ có trả lương cho các cặp đôi mới kết hôn.
Cùng thời điểm, giới chức Trung Quốc cũng phải "đau đầu" xử lý tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa.
Năm 2022, dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm trong 6 thập niên. Diễn biến này được coi là dấu mốc khởi đầu của một thời kỳ dài giảm dân số. Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc năm 2022 giảm xuống còn 6,77 ca sinh trên 1.000 người trong khi con số này năm 2021 là 7,52 ca sinh trên 1.000 người.
Khoảng 9,56 triệu trẻ sơ sinh ra đời vào năm 2022, trong khi năm trước đó là 10,62 triệu trẻ. Các nhà hoạch định chính sách ngày càng lo ngại về tác động mà cuộc khủng hoảng nhân khẩu học có thể gây ra đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Nhiều nhà nhân khẩu học cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ “già trước khi giàu” bởi lực lượng lao động giảm còn chính phủ phải chi nhiều tiền hơn cho dân số cao tuổi ngày càng đông.
Để khuyển khích các cặp đôi kết hôn và tăng tỷ lệ sinh, trong tháng 5, Trung Quốc thông báo sẽ triển khai dự án thí điểm tại 20 thành phố để hình thành văn hóa kết hôn và sinh con “thời đại mới”.
Global Times đánh giá dự án thí điểm này tập trung vào khuyến khích kết hôn, sinh con ở độ tuổi phù hợp, khích lệ các bậc cha mẹ chia sẻ trách nhiệm nuôi con và xử nạn “tiền sính lễ” cao chót vót. Tiền sính lễ là phong tục lâu đời ở Trung Quốc, trong đó nhà trai phải đưa cho gia đình nhà gái một khoản tiền trước khi kết hôn.
Reuters cho biết các thành phố nằm trong dự án thí điểm bao gồm Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông và Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc.