Do đó, những người này không thể tận dụng được những lợi ích kinh tế và xã hội mà Internet đem lại.
Phóng viên TTXVN tại LHQ dẫn báo cáo tựa đề "Thực trạng băng thông rộng 2015" (The State of Broadband) do Ủy ban Băng thông rộng LHQ (UNBC) công bố ngày 21/9 cho biết: Tại các nước đang phát triển, tỷ lệ tiếp cận Internet chỉ đạt 35%. Đáng quan ngại là tại 48 quốc gia mà LHQ liệt vào danh sách kém phát triển nhất, 90% số người dân không có hình thức tiếp cận Internet nào. Báo cáo của UNBC nhấn mạnh dù số người dân được tiếp cận Internet thường xuyên mới chỉ đạt 43% dân số toàn cầu nhưng hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy tốc độ phổ biến Internet đang chậm lại bởi việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng băng thông rộng tới các vùng hẻo lánh gặp nhiều khó khăn và không mang lại lợi nhuận.
Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của LHQ (UNESCO) nhận định Chương trình Nghị sự 2030 của LHQ nhận thức rõ sức mạnh của công nghệ mới trong việc thúc đẩy tiến bộ nhân loại và phát triển các xã hội tri thức cao, do đó cần hỗ trợ các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, hoàn thành mục tiêu về ứng dụng tiến bộ công nghệ. Bà Bokova kêu gọi chính phủ các nước và cả các bên liên quan tạo điều kiện để người dân có thể truy cập và sử dụng Internet, qua đó tận dụng tối đa các cơ hội trong thời đại mới.
Theo LHQ, 10 quốc gia đứng đầu về tỷ lệ người dân truy cập Internet nằm ở khu vực châu Á và Trung Đông. Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ hộ gia đình có đăng ký Internet băng thông rộng đạt 98,5%, trong khi vị trí thứ hai và ba lần lượt thuộc về Qatar (98,0%) và Saudi Arabia (94,0%). Việt Nam đứng thứ 73 trong báo cáo của UNBC với tỷ lệ 18,6%. Trong khi đó, đứng cuối bảng xếp hạng và có tỷ lệ số hộ gia đình đăng ký Internet băng thông rộng chưa tới 2% dân số là các quốc gia tại phía nam sa mạc Sahara của châu Phi như Guinea, Somalia, Burundi và Eritrea.
Báo cáo của UNBC được công bố trước thềm hội nghị thượng đỉnh của LHQ tại New York vào tuần tới, với việc các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thông qua Chương trình Nghị sự 2030, trong đó đưa ra nhiều mục tiêu phát triển bền vững mới.