Với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tại biên giới, Hong Kong đã thành công trong việc ngăn COVID-19 làm gián đoạn các hoạt động trong gần 2 năm qua. Điều này khiến nhu cầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 giảm, đặc biệt là trong nhóm người lớn tuổi, trong đó nhiều người có hoàn cảnh kinh tế kém, đi lại khó khăn và ít quan tâm đến việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại.
Người đứng đầu khoa y của Đại học Hong Kong Lau Chak Sing cho biết, việc tiêm phòng cho những người lớn tuổi là rất khó khăn do đây không phải là nhu cầu cấp thiết khi Hong Kong kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron đã thay đổi tình hình dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát của Hong Kong. Số ca nhiễm mới hằng ngày đã tăng gấp đôi lên 1.161 ca trong ngày 9/2 - mức cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, nhà chức trách đã ghi nhận dịch bùng phát tại 10 nhà dưỡng lão, với 2 ca tử vong đầu tiên liên quan đến COVID-19 tại Hong Kong kể từ tháng 9/2021.
Mới đây chính quyền Hong Kong đã thông báo sẽ yêu cầu giấy thông hành vaccine kể từ ngày 24/2 đối với những người muốn đi mua sắm, ăn tại nhà hàng hoặc sử dụng phương tiện công cộng. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người lớn tuổi quyết định tiêm phòng COVID-19.
Theo số liệu chính thức, tỷ lệ tiêm phòng ở những người trong độ tuổi 70-79 và 80 trở lên đã tăng lần lượt lên 63,1% và 34,2% trong ngày 9/2, từ mức 61,9% và 33,2% một ngày trước đó. Mức tăng 1,2% trong nhóm 70-79 tuổi là mức tăng cao nhất trong một ngày ở tất cả các nhóm tuổi kể từ khi Hong Kong bắt đầu tiêm phòng COVID-19 vào tháng 1/2021.
Tuần này, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã tuyên bố ưu tiên hiện nay là tiêm phòng COVID-19 cho nhóm người lớn tuổi và đạt tỷ lệ tiêm phòng hơn 90% nhằm giảm bớt áp lực cho các bệnh viện.