Theo kênh CNN, các lãnh đạo EU đang mắc kẹt trong các cuộc đàm phán căng thẳng về gói trừng phạt thứ sáu chống Nga. Theo thỏa thuận cuối cùng được công bố vào cuối ngày 30/5, EU chỉ nhất trí cấm nhập khẩu một phần dầu Nga vào khối.
Nhưng EU đã buộc phải miễn trừ để Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc tiếp tục nhập dầu Nga thông qua đường ống. Điều này được một số thành viên EU coi là một nhượng bộ lớn.
Mặc dù Serbia không phải là quốc gia thành viên EU, nhưng EU muốn một số nước láng giềng tham gia lệnh cấm dầu Nga. EU đang mở rộng quy mô về phía đông và coi Tây Balkan là chìa khóa cho an ninh châu Âu - thậm chí còn hơn thế nữa sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Quy mô, dân số và vị trí địa lý của Serbia khiến nước này trở thành một bên liên quan chính trong địa chính trị của khu vực. Nếu muốn bàn về tương lai của Bosnia hoặc Kosovo, chắc chắn sẽ cần Chính phủ Serbia tham gia.
Tuy nhiên, Serbia cũng rất phụ thuộc vào Nga về mặt khí đốt. Nước này cũng hợp tác quân sự với Nga. Nói tóm lại, Serbia được hưởng lợi rất nhiều từ mối quan hệ với Nga. Ngay cả khi họ trở thành thành viên EU, Serbia cũng sẽ không muốn làm ảnh hưởng tới mối quan hệ với Nga.
Điều này tạo ra hai thực tế đồng thời cho EU mà khi đặt cạnh nhau, rất khó dung hòa.
Serbia quá lớn và quan trọng đến mức nước này rất cần thiết đối với dự án mở rộng trừng phạt Nga của EU. Serbia cũng lớn và quan trọng đến mức có thể thực hiện các thỏa thuận với Nga, Trung Quốc và EU cùng lúc nhưng vẫn là quốc gia chủ chốt với EU.
Tuy nhiên, điều đó có thể sắp thay đổi.
Mặc dù Serbia đã ủng hộ một số nghị quyết của Liên hợp quốc lên án cuộc chiến của Nga, nhưng nước này đã không trừng phạt Nga hoặc liên kết với EU để chống Nga - điều mà các quốc gia ứng cử viên EU sẽ làm. Một số quan chức EU và các nhà phân tích lo ngại rằng thỏa thuận khí đốt mới giữa Serbia và Nga có thể là một bước đi quá xa đối với một số nước thành viên EU.
Ông Filip Ejdus, phó giáo sư về an ninh quốc tế tại Đại học Belgrade, cho biết: “Nếu được ký kết, thỏa thuận sẽ dập tắt hy vọng của những người muốn giảm bớt ảnh hưởng của Nga trong khu vực”.
Ông Ejdus dự báo rằng Tổng thống Vucic chắc chắn sẽ cam đoan rằng Serbia vẫn đi trên con đường hướng tới gia nhập EU. Tuy nhiên, ông Ejdus cảnh báo rằng canh bạc lần này của Serbia có thể phản tác dụng vì EU có các ưu tiên chính sách khác vào lúc này. Ông nói rằng niềm tin giữa Serbia và EU có thể bị tổn hại vĩnh viễn.
Vẫn còn phải xem hợp đồng Nga-Serbia có nghĩa là các cuộc đàm phán gia nhập EU của Serbia bị đình trệ hay EU sẽ thực hiện một cách tiếp cận khác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng thỏa thuận khí đốt là điều đặc biệt gây đau đầu, khiến các quan chức và nhà ngoại giao EU buộc phải chấp nhận.
Một quan chức cấp cao của EU nói với CNN: “Chúng tôi rất lo lắng. Liên kết với các nước bên ngoài EU quan trọng hơn bao giờ hết, vì các nước bên trong EU đang cố gắng giữ vững lập trường”. Quan chức này đồng thời đề cập cụ thể đến Hungary - quốc gia thành viên EU phản đối nhiều nhất lập trường cứng rắn đối với Nga.
Ông Steven Blockmans, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu, nói với CNN rằng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, EU đã gây áp lực cho các nước thứ ba, gồm cả Trung Quốc, phải có cách tiếp cận tương tự đối với các biện pháp trừng phạt. Nếu ngay cả các nước đang tìm cách gia nhập EU cũng tìm cách lách các lệnh trừng phạt, thì điều này sẽ khiến các nước có xu hướng chống lại áp lực của EU trong ủng hộ lập trường chung mạnh mẽ đối với Nga.
Những khó khăn mà Serbia đang gây ra cho EU không kết thúc bằng các lệnh trừng phạt. Một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu cho biết: “Toàn bộ tình huống này là một điều đau lớn đối với chúng tôi, vì nó liên quan đến cuộc đàm phán về việc liệu Ukraine có nên gia nhập EU hay không”. Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập EU vào đầu tháng 3, quá trình có thể mất nhiều năm ngay cả khi các thành viên của khối hoàn toàn ủng hộ.
EU đã phải đối mặt với nhiều khó khăn kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu. Việc giữ đoàn kết trong khối 27 quốc gia thành viên không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nhưng thực tế là thỏa thuận khí đốt của Serbia xảy ra trong cùng tuần mà các nhà lãnh đạo EU gặp nhau để tranh luận về việc cấm năng lượng của Nga đã cho thấy một số thứ sẽ nằm ngoài tầm tay của EU.
Theo thời gian, đó có thể trở thành một vấn đề rất phức tạp cho tương lai của dự án châu Âu.