Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Đây cũng là chuyến làm việc nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng trên cương vị mới.
Nhiều thành tựu nổi bậtASEAN và Nga chính thức thiết lập quan hệ vào tháng 7/1996. Trong 20 năm qua, quan hệ ASEAN - Nga đã có những bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự-an ninh...
Thủ tướng Nga Medvedev hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN |
Về quan hệ chính trị, mối quan hệ giữa ASEAN và Nga phát triển ngày càng sâu rộng, đặc biệt kể từ khi Nga trở thành Ðối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN vào năm 2006. Khối ASEAN đang trở thành một đối thủ hùng mạnh trên vũ đài quốc tế và là đối tác quan trọng của Nga. Tháng 6/2003, ASEAN và Nga đã ký Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác vì Hoà bình, An ninh, Thịnh vượng và Phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặt khuôn khổ cho việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và chuyên ngành.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nga lần thứ nhất tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) tháng 12/2005, ASEAN và Nga ký Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Toàn diện và Tiến bộ, đồng thời thông qua Chương trình Hành động Toàn diện ASEAN - Nga giai đoạn 2005-2015. Tháng 10/2010, tại Hội nghị cấp cao ASEAN và Nga lần thứ 2 tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam), hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động toàn diện ASEAN - Nga giai đoạn 2005 - 2015.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, song hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Nga còn hạn chế so với các đối tác khác của hiệp hội. Trong 10 năm gần đây, tổng kim ngạch thương mại của Nga với các nước ASEAN đã tăng gấp 5 lần và hiện đạt hơn 20 tỷ USD, nhưng con số này vẫn thấp so với các chỉ số thương mại giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU).
Trong hợp tác quốc phòng - an ninh, năm 2004, Nga đã ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), khẳng định cam kết của Nga đối với hòa bình và an ninh của khu vực. Nga đã tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các cơ chế hợp tác an ninh đa phương khu vực do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+).
Triển vọng hợp tác toàn diệnTrước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN - Nga tại Sochi lần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN và điều này sẽ được nỗ lực thúc đẩy tại hội nghị. Theo Tổng thống Putin, trong hai thập niên qua, sự hợp tác toàn diện giữa Nga và ASEAN là cơ sở vững chắc góp phần đưa mối quan hệ này lên một tầm cao mới.
Tại cuộc họp lần thứ 14 Ủy ban hợp tác chung ASEAN - Nga (ARJCC) diễn ra ở Indonesia hồi tháng 3 vừa qua, ASEAN và Nga nhất trí trong thời gian tới sẽ tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả hơn, nhất là trong các lĩnh vực cùng quan tâm như thúc đẩy hòa bình, an ninh khu vực, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, thúc đẩy thương mại và đầu tư, năng lượng, giao thông vận tải, ứng phó thiên tai, cứu trợ nhân đạo, kết nối khu vực, khoa học và công nghệ... Trước mắt, hai bên nhấn mạnh phối hợp chặt chẽ để sớm hoàn tất Kế hoạch Hành động Toàn diện (CPA) ASEAN - Nga giai đoạn 2016 - 2020 để trình lãnh đạo cấp cao thông qua trong năm nay.
Hợp tác kinh tế - thương mại là những lĩnh vực mà ASEAN và Nga dự kiến đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới. Nga khẳng định sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào các quá trình liên kết trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có việc thúc đẩy trao đổi hàng hóa, công nghệ và đầu tư của Nga vào thị trường các nước ASEAN. Nga coi hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư là một trong những lĩnh vực hợp tác chủ yếu với ASEAN. Ngoài ra, Diễn đàn kinh tế ASEAN - Nga tổ chức trước thềm hội nghị được kỳ vọng sẽ đề xuất các bước đi cần thiết, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, khoa học và công nghệ. Ông Putin hy vọng sẽ thiết lập được hàng loạt các mối liên lạc đa ngành giữa Liên minh Âu - Á và ASEAN, hướng tới thu hút hoạt động của các cấu trúc hội nhập lớn này trong tương lai.
Nga và ASEAN cũng đã đề ra các phương hướng hợp tác quốc phòng trong cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng Nga và các nước ASEAN diễn ra cuối tháng 4 vừa qua ở thủ đô Moskva của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết các bên đã đặt ra hàng loạt phương hướng nhằm phát triển mối quan hệ hợp tác cùng có lợi - trước tiên là trong lĩnh vực chống khủng bố quốc tế, an ninh hàng hải, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, quân y và tháo gỡ mìn. Ngoài ra, Nga sẽ mở rộng các cuộc tiếp xúc song phương với các nước ASEAN, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật - quân sự.
Về quan hệ hợp tác với Việt Nam nói riêng, bên cạnh việc hợp tác trong các vấn đề chính trị quốc tế, trong chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc theo lời mời của Thủ tướng nước chủ nhà Dmitry Medvedev, hai nhà lãnh đạo đặc biệt chú trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, các dự án công nghiệp điện hạt nhân, lọc dầu, nông nghiệp và kỹ thuật quân sự. Mối quan hệ hợp tác với Việt Nam nói riêng và với ASEAN nói chung được Nga xác định là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao “quay sang phía Đông” của Moskva trong bối cảnh bị Mỹ và phương Tây cấm vận cả về chính trị và kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam và ASEAN còn là yếu tố góp phần giúp Nga đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác thương mại ở phía Đông, để tránh dẫn tới tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc.
Nhìn lại chặng đường 20 năm đã qua, có thể khẳng định quan hệ ASEAN - Nga được xây dựng và phát triển trên cơ sở tin cậy, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. ASEAN là tổ chức hội nhập thành công nhất ở châu Á, có vai trò địa chính trị - kinh tế quan trọng, trong khi Nga là một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và là một phần không thể thiếu của khu vực này. Do đó, tiếp tục củng cố và không ngừng phát triển quan hệ hợp tác, hướng tới mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nga chính là nhu cầu cũng như xu thế trong bối cảnh thế giới mới, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới.