Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic cho rằng "tập hợp các nguồn lực" là biện pháp khá đơn giản để đối phó với các mối đe dọa đang nổi lên. Tổng thống Croatia nhấn mạnh: "Chúng ta phải giải quyết những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21 toàn cầu hóa như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, di cư, khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt và các công nghệ mới".
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng kêu gọi sự hợp tác quốc tế với lưu ý rằng: "Các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là những nhiệm vụ lớn mà chúng ta phải đạt được thông qua hợp tác đa phương".
Quốc vương Abdullah II của Jordan nhận định: "Chúng ta đến đây để nhận ra một thực tế đơn giản rằng ĐHĐ này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ứng phó với những nguy cơ và nắm bắt các cơ hội của thế giới chúng ta... Hành động tập thể là 'lời hứa' của LHQ.
Tổ chức này được tạo lập từ các hành động cụ thể, riêng lẻ của các quốc gia thành viên, để rồi cùng nhau tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn. Và ngày nay, chúng ta vẫn rất cần mỗi quốc gia thành viên hành động và cùng hành động với các nước láng giềng toàn cầu, tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn, an toàn hơn mà tất cả chúng ta cần có".
Cùng chung quan điểm ấy, Tổng thống Angola Joao Lourenco khẳng định chỉ chủ nghĩa đa phương trong quan hệ quốc tế mới "đóng góp hiệu quả cho hòa bình và an ninh của thế giới", do đó "cần thiết phải cải tổ sâu sắc LHQ, để tổ chức này có thể hoàn thành tốt hơn trách nhiệm lớn của mình trong việc quản lý, giải quyết xung đột và ngăn chặn chiến tranh".
Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa cũng tuyên bố ủng hộ "một chủ nghĩa đa phương hiệu quả, dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ và sự mở rộng pháp lý của tổ chức này đối với tình hình mới trên toàn cầu mới như môi trường và biến đổi khí hậu, đại dương, bảo vệ dữ liệu, an ninh mạng, chống khủng bố và trí tuệ nhân tạo".