Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, nằm ở trung tâm vùng Tam giác San hô (gồm các vùng biển nhiệt đới thuộc Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, Quần đảo Solomon và Timor Lester với trên 500 loài san hô đa dạng), Indonesia đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mạng lưới thức ăn và các quá trình sinh thái phức tạp, khiến nước này trở thành nền tảng của các nỗ lực bảo tồn biển toàn cầu. Tuy nhiên, hệ sinh thái rạn san hô đang bị đe dọa nghiêm trọng do sự nóng lên của đại dương liên quan đến biến đổi khí hậu và các hoạt động khác do con người gây ra, như đánh bắt quá mức, hoạt động đánh bắt không bền vững và suy thoái môi trường sống. Hơn 85% số rạn san hô trong khu vực Tam giác San hô đang bị nhiều yếu tố đe dọa, cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu. Sự suy thoái hệ sinh thái rạn san hô ảnh hưởng đến hàng triệu người sống dựa vào hệ sinh thái này, không chỉ ở Indonesia mà trên toàn thế giới.
Theo nhà nghiên cứu Cilun Djakiman thuộc Trung tâm Khoa học Hàng hải, thuộc Đại học Pattimura, Ambon (Indonesia), trong 6 tuần qua, nhóm nghiên cứu ở Đông Nam Sulawesi và Maluku đã thu thập mẫu vật của các loài san hô, hàng nghìn bức ảnh cũng như xác định và định cỡ hàng nghìn loài. Một số loài san hô đã được giải trình tự bộ gene đầy đủ. Đây là lần đầu tiên ngành khoa học đại dương được sắp xếp trình tự và kết hợp với các dữ liệu khác tại cùng một địa điểm.
Ông Arjan de Haan, chuyên gia cấp cao Trung tâm nghiên cứu Phát triển Quốc tế Canada, cho rằng những phát hiện này sẽ giúp xác định các rạn san hô thích ứng để cải thiện quy hoạch, chính sách và quản trị không gian biển. Các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách có thể ưu tiên các nỗ lực bảo tồn, có khả năng bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng. Phương pháp tiếp cận tích hợp công nghệ tiên tiến với nghiên cứu thực địa mở đường cho các chiến lược bảo tồn biển hiệu quả hơn và có khả năng đảo ngược sự suy giảm của các rạn san hô.