Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhấn mạnh mỗi quốc gia đều có lợi thế riêng về công nghệ AI, dữ liệu và thị trường nên cần phải tham gia hợp tác để phát huy những yếu tố này, đồng thời kêu gọi các nước thúc đẩy di chuyển dữ liệu qua biên giới và kết nối cơ sở hạ tầng.
Trước đó, cuối tháng 5/2024, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres nhận định: “AI đang thay đổi thế giới và cuộc sống của chúng ta”. Ông nhấn mạnh tiềm năng của công nghệ này trong việc cải thiện chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe ở vùng sâu vùng xa, tăng năng suất cây trồng và phát triển hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đã tuyên bố thành lập "Văn phòng AI" gồm các chuyên gia công nghệ, luật sư và nhà kinh tế để quản lý công nghệ AI theo một luật mới được tin là sẽ mang lại những tác động sâu rộng.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU, cho biết việc thành lập Văn phòng AI để tạo thuận lợi cho việc phát triển, triển khai và sử dụng AI trong tương lai theo cách thúc đẩy đổi mới và lợi ích kinh tế-xã hội, đồng thời giảm thiểu rủi ro. Theo Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối, Thierry Breton, văn phòng sẽ thúc đẩy một hệ sinh thái AI châu Âu có tính đổi mới, cạnh tranh và tôn trọng các quy tắc và giá trị của EU. Trong khi đó, Phó chủ tịch điều hành EC, Margrethe Vestager, cho biết cùng với các nhà phát triển và cộng đồng khoa học, văn phòng sẽ đánh giá và thử nghiệm AI tổng quát để đảm bảo rằng AI phục vụ con người và duy trì các giá trị chung của EU.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh rằng AI và cuộc cách mạng kỹ thuật số chắc chắn sẽ biến đổi thế giới và các hệ thống nông sản thực phẩm, khiến việc làm cho những chuyển đổi mà chúng thúc đẩy mang lại lợi ích cho mọi người và góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu, trở nên cấp bách hơn.
Ông Khuất Đông Ngọc cho biết, AI không chỉ là một sự thay đổi công nghệ, mà còn đang thúc đẩy sự chuyển đổi kinh tế và xã hội cơ bản ở mức độ rộng nhất, đồng thời lưu ý rằng FAO nhận ra sức mạnh của AI trong việc mang lại lợi ích tiềm năng cho nhiều nhóm dân cư và góp phần cải thiện hiệu quả và tính bền vững. Ông lưu ý rằng “nông nghiệp kỹ thuật số có thể cách mạng hóa cách thức chúng ta sản xuất, phân phối và tiêu thụ thực phẩm”, đồng thời nhấn mạnh rằng các lợi ích tiềm năng bao gồm cải thiện dữ liệu giá cả, giảm thiểu thất thoát và lãng phí thực phẩm, tăng cường an toàn thực phẩm và khuyến khích sử dụng hạt giống, phân bón tốt hơn và các thông lệ bền vững.
Tháng 11/2023, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI lần đầu tiên đã được tổ chức tại Vương quốc Anh. Hội nghị đã thông qua "Tuyên bố Bletchley" khuyến khích sự minh bạch và trách nhiệm từ các bên có ý định phát triển công nghệ AI, để đánh giá, giám sát và giảm thiểu những tác hại có thể xảy ra, đồng thời đưa ra chương trình nghị sự gồm hai mũi nhọn tập trung nhận diện các rủi ro chung và củng cố hiểu biết khoa học về những rủi ro này, cũng như xây dựng các chính sách xuyên quốc gia để giảm thiểu rủi ro.