Nhóm tay súng này ngày 31/10 tuyên bố rằng họ đã phóng máy bay không người lái và tên lửa vào Israel trong loạt vụ tấn công cho thấy những rủi ro an ninh trong khu vực của cuộc xung đột Israel-Hamas.
Phong trào Houthi đang nỗ lực bày tỏ tinh thần ủng hộ người Palestine kể từ khi xung đột nổ ra ở Dải Gaza vào ngày 7/10. Với những đòn hỏa lực nhắm vào Israel, Houthi đã mở ra một mặt trận mới, sau 8 năm chiến tranh với liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu ở khu vực này.
Người phát ngôn của lực lượng Houthi là Yahya Saree tuyên bố trên truyền hình rằng nhóm này đã phóng một lượng lớn tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái về phía Israel và tuyên bố sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tấn công như vậy để giúp người Palestine giành chiến thắng.
Tuyên bố trên đã chỉ ra quy mô ngày càng mở rộng của cuộc xung đột ở Dải Gaza khiến các quốc gia lo lắng.
Người phát ngôn Saree cho biết đây là cuộc tấn công thứ ba của Houthi vào Israel kể từ khi xung đột nổ ra ngày 7/10. Qua đó, nhân vật này dường như xác nhận Houthi đứng sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào ngày 28/10 dẫn đến các vụ nổ ở Ai Cập cùng với vụ khai hỏa tên lửa hành trình vào ngày 19/10, trong đó đã bị Hải quân Mỹ đánh chặn.
Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Tzachi Hanegbi khẳng định các cuộc tấn công của Houthi là không thể chấp nhận được, nhưng từ chối nêu rõ cách Tel Aviv sẽ đáp trả.
Các phong trào chống Israel và Mỹ
Lực lượng Houthi là một trong số những phong trào đang chống Israel và Mỹ. Tổ chức Hồi giáo ở Yemen này đã tiến hành các cuộc tấn công khắp khu vực kể từ ngày 7/10.
Các tay súng ở Iraq cũng đã bắn phá lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria, trong khi phong trào Hezbollah ở Liban vẫn thường xuyên đấu súng với lực lượng Israel tại biên giới.
Lực lượng Houthi đã chứng minh được sức mạnh về tên lửa và máy bay không người lái trong cuộc chiến tranh nhắm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của Saudi Arabia và UAE. Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu cáo buộc Iran trang bị vũ khí, huấn luyện và tài trợ cho các thành viên Houthi. Tuy nhiên, nhóm này phủ nhận họ liên kết với Iran và nói rằng họ tự phát triển vũ khí.
Mỹ, đồng minh lớn của Israel, đã triển khai các tàu sân bay nhằm ngăn chặn xung đột ở Gaza lan rộng. Về phần mình, Iran cũng không muốn chiến tranh lan rộng. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian ngày 31/10 cho biết các đồng minh của Tehran có thể hành động xa hơn.
Ông nói: “Các nhóm phản kháng sẽ không im lặng trước hành vi của chế độ Phục quốc Do Thái và sự ủng hộ hoàn toàn của Mỹ đối với chế độ Phục quốc Do Thái”. Truyền thông nhà nước Iran đưa tin: “Họ sẽ không chờ đợi lời khuyên của bất kỳ ai; nếu tình hình vượt quá tầm kiểm soát, sẽ không có bên nào được an toàn”.
Người phát ngôn Yahya Saree đã đổ lỗi cho Israel về sự bất ổn ở Trung Đông, nói rằng vòng xung đột trong khu vực đang được mở rộng là vì Israel. Ông tuyên bố Houthi sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công cho đến khi Israel chấm dứt hành động gây hấn.
Lưu ý về việc tên lửa và máy bay không người lái của Houthi bị bắn hạ trong các cuộc xung đột mới nhất, ông Mohanad Hage Ali tạiTrung tâm Trung Đông Carnegie đánh giá bản chất hiện nay của các vụ tấn công đó mang tính chất cảnh báo nhiều hơn, thay vì là một mối đe dọa quân sự thực sự.
Chuyên gia trên nói: “Rủi ro đối với Israel là nếu xảy ra một cuộc giao chiến tổng lực, khi nhiều vụ phóng tên lửa từ mọi hướng, hệ thống phòng không của họ sẽ bị áp đảo”.
Mối lo ngại của Saudi Arabia
Yemen đã trải qua hơn một năm tương đối yên bình nhờ nỗ lực thúc đẩy hòa bình do Liên hợp quốc dẫn đầu. Saudi Arabia đã tổ chức đàm phán với phong trào Houthi nhằm mục đích thoát khỏi cuộc chiến kéo dài nhiều năm này để tập trung vào các ưu tiên kinh tế trong nước.
Nhưng loạt vụ không kích của Houthi nhằm vào Israel mới đây đã làm tăng nguy cơ bùng phát xung đột đối với Saudi Arabia.
Mọi vũ khí phóng từ Yemen đều đi qua phía Tây Saudi Arabia rồi bay qua Jordan và vào Israel.
Hiện Văn phòng truyền thông của chính phủ Saudi Arabia chưa trả lời yêu cầu bình luận về những mối lo ngại của vương quốc này đối với các đòn tấn công của Houthi.
Nhà phân tích người Saudi Arabia Aziz Alghashian tin rằng Riyadh không thể tránh khỏi nỗi lo lắng chiến sự sẽ tràn qua biên giới.
Ông Alghashian nói: “Tôi nghĩ vấn đề ở đây là cuộc chiến này có khả năng đẩy Saudi Arabia vào tình thế được coi là đứng về phe nào giữa Mỹ, Israel và Iran. Và Saudi Arabia muốn tránh kịch bản đó”.
Saudi Arabia và Iran đã đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao vào đầu năm nay. Động thái trên nhằm giảm bớt căng thẳng kéo dài nhiều năm đã gây ra xung đột ở khắp Trung Đông.
Năm 2019, phong trào Houthi nhận trách nhiệm về cuộc tấn công vào các nhà máy lọc quan trọng gây gián đoạn tạm thời đối với hơn một nửa sản lượng dầu của Saudi Arabia. Mỹ cáo Iran đứng sau vụ tấn công này, song Tehran mạnh mẽ phủ nhận.