Theo đài RT, người phát ngôn của Houthi, ông Yahya Saree cho biết: “Một cuộc đụng độ đã xảy ra với một số tàu khu trục và tàu chiến Mỹ ở Vịnh Aden và Bab al-Mandab, trong khi những tàu này đang bảo vệ hai tàu thương mại Mỹ”.
Ông Saree cho biết thêm, trong cuộc đụng độ kéo dài hai giờ, một đòn tấn công trực tiếp vào tàu chiến Mỹ đã khiến hai tàu thương mại phải rút lui. Ông nói: “Một số tên lửa đạn đạo của chúng tôi đã bắn trúng mục tiêu bất chấp nỗ lực đánh chặn của tàu chiến”.
Tuy nhiên, CENTCOM tuyên bố khác: “Các tay súng Houthi đã bắn ba tên lửa đạn đạo chống hạm từ các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen về phía tàu container M/V Maersk Detroit mang cờ Mỹ, do Mỹ sở hữu và vận hành đang đi qua Vịnh Aden. Một tên lửa đã rơi xuống biển. Hai tên lửa khác đã bị tàu USS Gravely tấn công và bắn hạ thành công. Không có báo cáo về thương tích hoặc thiệt hại về phía con tàu”.
Không rõ liệu tàu Maersk Detroit có thay đổi lộ trình sau vụ tấn công hay không. Điểm đến của con tàu là Namibia, trên bờ biển phía Tây Nam châu Phi.
Đầu tuần này, Lầu Năm Góc cho biết các hoạt động chống Houthi có tên “Chiến dịch Poseidon Archer”, khác với “Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng” cũng nhằm bảo vệ tàu thuyền vận chuyển hàng qua eo biển Bab-el-Mandeb và Kênh đào Suez.
Khoảng 15% thương mại hàng hải của thế giới đi qua khu vực nằm trong tầm ngắm của tên lửa Houthi. Hầu hết các công ty vận tải thương mại đã đổi hướng đi các tàu vòng qua châu Phi, dù chi phí bảo hiểm tăng vọt.
Lực lượng Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục ngăn chặn các tàu có liên hệ với Israel cho đến khi cuộc chiến ở Dải Gaza dừng lại và dỡ bỏ bao vây người Paletine.
Houthi đã quấy rối các tàu liên kết với Israel kể từ cuối tháng 10/2023. Sau khi lực lượng Anh và Mỹ ném bom Yemen hồi đầu tháng này, lực lượng Houthi cũng chặn cả các tàu thương mại của Mỹ và Anh trên Biển Đỏ.
Trong một diễn biến liên quan, Houthi đã yêu cầu các nhân viên người Mỹ và người Anh làm việc cho các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức nhân đạo tại nước này rời đi trong vòng 1 tháng. Yêu cầu được đưa ra sau khi các lực lượng Mỹ và Anh tiến hành các cuộc không kích nhằm vào những địa điểm được cho là của Houthi ở Yemen.
Yêu cầu trên được đưa ra trong lá thư gửi cho điều phối viên nhân đạo của LHQ ở Yemen, ông Peter Hawkins. Lá thư cũng có đoạn yêu cầu các tổ chức nước ngoài không thuê người Mỹ và Anh làm việc cho các tổ chức ở Yemen.
Nhà đàm phán Mohammed Abdulsalam của lực lượng Houthi đã xác nhận nội dung lá thư. Bản thân ông Hawkins cũng là người Anh. Văn phòng của ông hiện chưa có phản hồi về thông tin này. Đại sứ quán Anh và Mỹ ở Yemen cũng chưa có bình luận chính thức về thông tin này nhưng cho biết giữ liên lạc với các tổ chức của LHQ .
Ngày 24/1, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho rằng Mỹ và Anh đã phạm một “sai lầm chiến lược” khi tấn công lực lượng Houthi, cảnh báo động thái này có thể khiến xung đột và căng thẳng lan rộng trong khu vực. Theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao Iran, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian đưa ra phát biểu trên trong một cuộc gặp với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại New York ngày 23/1. Ông Hossein Amir-Abdollahian nhấn mạnh Tehran ủng hộ đảm bảo lưu thông và an ninh trên Biển Đỏ, đồng thời kêu gọi ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào người Palestine cũng như tạo điều kiện thuận lợi, thông qua tham vấn, cho việc chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza.
Về phần mình, Tổng thư ký Guterres đã kêu gọi chấm dứt xung đột và tạo điều kiện gửi hàng viện trợ tới dải đất này, nhấn mạnh vai trò thiết yếu của lệnh ngừng bắn. Lãnh đạo LHQ cũng đề cập những diễn biến tại Biển Đỏ, bày tỏ quan ngại về sự lan rộng các cuộc xung đột tại khu vực. Ngoài ra, ông Guterres nói rằng Iran đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực.