Hãng tin RT (Nga) đưa tin Thủ tướng Hungary Viktor Orban quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp chỉ vài giờ sau khi quốc hội nước này thông qua gói biện pháp để Budapest phản ứng lại các tình huống khủng hoảng.
Trong đoạn video trên trang Facebook thông báo việc ban bố tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Orban cho biết các biện pháp này sẽ trao cho chính phủ của ông "không gian và khả năng phản ứng ngay lập tức" do hệ quả của cuộc xung đột tại Ukraine. Lệnh tình trạng khẩn cấp có hiệu lực ngay nửa đêm 24/5 và các động thái đầu tiên sẽ được thông báo ngày 25/5.
Trước đó cùng ngày, Quốc hội Hungary đã thông qua một sửa đổi cho phép Thủ tướng có thẩm quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu có chiến tranh ở một quốc gia láng giềng.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Hungary là một trong số ít các nước châu Âu phản đối đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) cấm vận dầu khí của Nga.
Thủ tướng Orban lập luận rằng các biện pháp trừng phạt của EU chỉ hoạt động "trên giấy tờ". Nhà lãnh đạo Hungary nói rằng một thỏa thuận cấm vận của EU đối với nguồn dầu khí Nga là "rất khó có khả năng" đạt được trong những ngày tới. Theo ông Orban, việc thiếu sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo EU cho thấy việc thảo luận về gói trừng phạt là không hiệu quả.
Trong lá thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, Thủ tướng Orban nêu rõ: "Nhìn vào các vấn đề hiện nay, rất khó có khả năng đạt được một giải pháp toàn diện trước cuộc họp đặc biệt của EC ngày 30-31/5 tới".
Thủ tướng Orban tuyên bố Budapest không thể ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga mà lại làm xói mòn an ninh năng lượng của Hungary. Ông cho rằng Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đã "tấn công" vào tình đoàn kết của EU bằng đề xuất cấm vận dầu mỏ của Nga. Ông khẳng định đề xuất này vượt quá "giới hạn đỏ".
Phát biểu trên đài phát thanh nhà nước hồi đầu tháng, ông Orban nêu rõ: "Ngay từ đầu, chúng tôi đã nói rõ rằng sẽ có một lằn ranh đỏ, đó là cấm vận năng lượng và họ đã vượt qua giới hạn đỏ này". Thủ tướng Orban cho biết Hungary không thể ủng hộ gói trừng phạt mới của EU chống Nga, trong đó có cấm nhập khẩu dầu mỏ, ví đây như là "một quả bom nguyên tử" ném vào nền kinh tế Hungary. Ông cũng nói thêm rằng Hungary sẵn sàng đàm phán nếu có một đề xuất mới phù hợp với các lợi ích quốc gia mình.
EC ngày 4/5 đã đề xuất gói trừng phạt nghiêm ngặt nhất chống Moskva liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, nhiều nước lo ngại về tác động của việc ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga và chưa ủng hộ đề xuất này. Một số nước Đông Âu lo ngại việc lùi thời gian thực hiện trừng phạt này cũng sẽ không cho họ có đủ thời gian để thích nghi.
Thủ tướng Orban cho biết Hungary sẽ cần 5 năm và dành khoản đầu tư lớn vào các cơ sở lọc dầu và đường ống dẫn mới có thể giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga, hiện đáp ứng khoảng 65% nhu cầu trong nước. Theo ông Orban, lùi 1-2 năm là không đủ. Bên cạnh đó, ông cũng đặt câu hỏi liệu có khôn ngoan không khi đầu tư lớn để mong có kết quả sau 4-5 năm nữa và Hungary vẫn chờ đề xuất mới của EC.
Tuy nhiên, EU và Hungary cũng đang đàm phán về hỗ trợ tài chính để Budapest từ bỏ việc phủ quyết lệnh cấm vận của khối này đối với dầu mỏ của Nga. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 16/5 cho biết tổng chi phí để Hungary từ bỏ năng lượng của Nga vào khoảng 18 tỷ euro (tương đương khoảng 18,9 tỷ USD). Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán với EU, Budapest cho thấy một con số thấp hơn cũng có thể đủ để giải quyết những lo ngại của nước này trong ngắn hạn.
Theo các nguồn tin, Ngoại trưởng Szijjarto đã đề xuất khoản kinh phí khoảng 750 triệu euro để đầu tư mở rộng đường ống dẫn dầu nối Hungary với Croatia và chuyển đổi các nhà máy lọc dầu của Nga sang các loại dầu thô khác. Trong khoản kinh phí này, Hungary cần 550 triệu euro để nâng cấp hai nhà máy lọc dầu do tập đoàn năng lượng Hungary MOL vận hành ở Hungary và Slovakia. Hai nhà máy này hiện chỉ có thể sử dụng dầu của Nga. MOL cho biết chi phí nâng cấp sẽ từ 500 triệu đến 700 triệu USD.
Một nguồn thạo tin cho biết EU đã nhiều lần thể hiện ủng hộ việc mở rộng đường ống dẫn dầu của Croatia, nhưng lo ngại về đề nghị của Hungary về việc hỗ trợ chuyển đổi các nhà máy lọc dầu tư nhân ở nước này vì đó có thể là một khoản viện trợ không công bằng, vi phạm các quy tắc cạnh tranh của khối.
Hiện 65% lượng dầu của Hungary đến từ một đường ống dẫn dầu của Nga.