“Chiến lược mà EU sử dụng làm nền tảng cho hành động của mình đã suy yếu, thất bại và trở nên không có tác dụng. Nếu EU không thay đổi chiến lược, chúng ta sẽ chứng kiến nền kinh tế quân sự trên toàn châu Âu vào tháng 10. Các biện pháp trừng phạt Nga và viện trợ vũ khí cho Ukraine đều không hiệu quả. Chúng ta không thể ‘dập lửa bằng súng phun lửa’”, đài Sputnik (Nga) dẫn lời ông Orban nói với đài Kossuth.
Người đứng đầu Chính phủ Hungary nhấn mạnh rằng châu Âu cần thay đổi chiến lược, tập trung vào các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Mỹ. Ông Orban cũng tiết lộ Hungary dự kiến sẽ mua thêm 700 triệu m3 khí đốt từ Nga trong mùa hè này.
“Theo tôi, thỏa thuận này sẽ có thể đạt được trong mùa hè này. Điều đó sẽ giúp tình hình ở Hungary hoàn toàn ổn định”, ông Orban nói.
Hồi cuối tháng 5, Chính phủ Hungary đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc đối với lĩnh vực năng lượng. Các biện pháp bao gồm tăng sản lượng khí đốt từ 1,5 tỷ m3 lên 2 tỷ m3, đảm bảo thêm 700 triệu mét khối khí đốt để tích đầy các cơ sở lưu trữ, cấm xuất khẩu năng lượng, tăng sản lượng than, đẩy nhanh khởi động lại các tổ máy của nhà máy điện than Matra, kéo dài thời gian hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Paks...
Kể từ năm 2021, giá năng lượng ở châu Âu đã tăng theo xu hướng toàn cầu. Sau khi Nga triển khai hoạt động quân sự ở Ukraine và phương Tây áp đặt một số biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva, lạm phát đã tăng nhanh và giá nhiên liệu tăng theo cấp số nhân. Hôm 27/7, giá khí đốt đã đạt mức 2.500 USD/1.000 m3 sau khi Gazprom công bố kế hoạch giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 chỉ còn 20% công suất tối đa.
Vào hôm 24/2, Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhằm phi quân sự hoá và phi phát xít hoá quốc gia láng giềng. Đáp lại, phương Tây đã tung ra các biện pháp trừng phạt toàn diện chống lại Nga, đồng thời tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả vũ khí sát thương. Cho đến nay, EU đã thông qua 7 gói trừng phạt nhằm vào Moskva và đang tìm cách ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố khác, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã dẫn đến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản, làm trầm trọng thêm lạm phát và đẩy thế giới tới các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng nghiêm trọng.