Theo hãng thông tấn TASS, trong cuộc họp báo ở thủ đô Amman của Jordan sau cuộc thảo luận với đồng cấp Ayman Safadi, ông Szijjarto cảnh báo: “Một số chính trị gia châu Âu muốn đưa quân tới Ukraine, trong khi các chính trị gia châu Âu khác đang mơ tưởng đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong mọi trường hợp, điều này đồng nghĩa với việc châm ngòi chiến tranh thế giới và những người ở gần xung đột vũ trang sẽ phải trả giá cho điều này”.
Ông Szijjarto bày tỏ Hungary cảm thấy mệt mỏi với những tuyên bố nguy hiểm về cuộc xung đột ở Ukraine.
“Chúng tôi đã mệt mỏi với những nỗ lực lôi kéo toàn bộ châu Âu và thậm chí toàn bộ thế giới vào cuộc chiến. Chúng tôi mệt mỏi với cuộc nói chuyện về việc triển khai bộ binh và sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine”, nhà ngoại giao hàng đầu Hungary nói.
Liên quan đến vấn đề này, Ngoại trưởng Szijjarto bày tỏ hy vọng tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào ngày 6 - 9/6 tới, cử tri sẽ có thể “gửi tín hiệu đến các chính trị gia châu Âu đang nói những điều vô nghĩa”.
Về cơ bản, quan điểm của Hungary là vấn đề xung đột và hòa bình sẽ được giải quyết tại các cuộc bầu cử này và yêu cầu hỗ trợ các đảng chính trị phản đối việc tiếp tục xung đột vũ trang ở Ukraine.
Trước đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng nhận định cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể được giải quyết vào cuối năm 2025, nếu những người ủng hộ hòa bình giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 và trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Hungary là thành viên Liên minh châu Âu (EU) duy nhất duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022.
Nước này luôn ủng hộ lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời cũng phản đối các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga của phương Tây. Hungary cũng phản đối sự tham gia ngày càng tăng của cả NATO và EU vào xung đột Ukraine, phản đối hỗ trợ Kiev về mặt quân sự, bao gồm cả việc gửi vũ khí hoặc huấn luyện quân đội Ukraine.