Trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Orban khẳng định tình hình cho thấy dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Budapest đã được kiểm soát, do đó Hungary có thể thận trọng chuyển sang giai đoạn 2 của phòng dịch. Đó chính là dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại thành phố này.
Cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho hay chính phủ nước này sẽ tìm cách gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng cho đến khi hoàn tất giai đoạn chuyển tiếp sau khi lệnh phong tỏa kết thúc.
Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, ông Sanchez nêu rõ đây sẽ là giai đoạn cuối áp dụng tình trạng khẩn cấp cho đến khi kết thúc việc nới lỏng các biện pháp hạn chế. Vì vậy, việc gia hạn sẽ kéo dài 1 tháng thay vì 15 ngày. Nếu như được Quốc hội thông qua, tình trạng khẩn cấp tại Tây Ban Nha sẽ kéo dài đến cuối tháng 6, thay vì kết thúc vào ngày 24/5 như kế hoạch cũ.
Tại Áo, Bộ Nội vụ thông báo biên giới nước này với CH Séc, Slovakia và Hungary sẽ được mở lại hoàn toàn vào ngày 15/6.
Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Nội vụ, Ngoại giao và Phụ trách vấn đề châu Âu của Áo nhấn mạnh mục tiêu của chính phủ nước này là đảm bảo tự do nhiều nhất có thể và giảm thiểu hạn chế. Thông báo này được đưa ra sau bước đi phối hợp trước đó nhằm dỡ bỏ hạn chế đi lại giữa Đức, Áo, Thụy Sĩ và Liechtenstein từ ngày 15/6, đồng thời nới lỏng hạn chế đối với những người được phép đi lại trong thời gian này. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế vẫn được duy trì đối với những người tới từ Italy.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã thúc đẩy việc mở lại biên giới nội khối và cho phép việc đi lại giữa các nước, đồng thời kêu gọi duy trì đóng cửa biên giới bên ngoài EU cho đến ít nhất là giữa tháng 6.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 16/5 cũng đã kêu gọi Ba Lan và Séc sớm mở lại biên giới để cho phép hàng hóa lưu thông và hành khách di chuyển. Trong tuyên bố sau cuộc gặp với người đồng cấp Luxembourg Jean Asselborn, Ngoại trưởng Maas khẳng định Đức sẽ chấm dứt việc đóng cửa biên giới với Đan Mạch trong vài ngày tới. Kể từ ngày 15/6, sẽ không còn việc kiểm tra tại biên giới với Pháp, Áo và Thụy Sĩ.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, sau khi Chính phủ Italy công bố sắc lệnh cho phép các du khách từ các quốc gia khác trong EU và Khu vực Schengen đến quốc gia này từ ngày 3/6, Hiệp hội nông nghiệp Italy Condiretti khẳng định việc mở cửa biên giới không chỉ thúc đẩy du lịch mà cứu ngành nông nghiệp nước này. Nguyên nhân là do mỗi năm, hơn 1/4 sản phẩm nông nghiệp sản xuất tại Italy được thu hoạch bởi 370.000 lao động nước ngoài, chiếm 27% tổng số lực lượng lao động cần thiết cho ngành nông nghiệp Italy.
Italy trở thành tâm dịch ở châu Âu kể từ hồi cuối tháng 2/2020 và nước này đã phải ban bố lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ ngày 9/3. Tính đến thời điểm hiện tại, Italy vẫn đang là quốc gia có số ca tử vong do dịch bệnh nhiều thứ ba thế giới, sau Mỹ và Anh, mặc dù số ca nhiễm mới mỗi ngày ở nước này đang có chiều hướng giảm dần. Trước diễn biến tích cực của dịch COVID-19, Chính phủ Italy thông báo những hạn chế về đi lại trong phạm vi nội bộ từng vùng sẽ kết thúc vào ngày 18/5. Các quán bar, nhà hàng, các cửa hiệu cắt tóc, làm đẹp sẽ bắt đầu được phép mở cửa trở lại vào đầu tuần tới nhưng phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội và vệ sinh dịch tễ. Chính phủ cho biết các chính quyền địa phương vẫn có quyền áp đặt trở lại những hạn chế ở địa phương nếu dịch bệnh tái bùng phát.