Trong đoạn video chia sẻ trên kênh Facebook, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã công bố thông tin trên, trong đó cho biết vaccine Sinopharm do Trung Quốc bào chế và phát triển đã được đưa vào chương trình tiêm chủng của nước này từ ngày 24/2. Hồi đầu tháng, Hungary cũng là quốc gia EU đầu tiên đưa vào sử dụng vaccine Sputnik của Nga.
Hungary - quốc gia có khoảng 10 triệu dân, hiện đã đặt hàng mua 5 triệu liều vaccine của Trung Quốc. Đến nay nước này ghi nhận 410.129 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 12.146 người không qua khỏi.
* Cùng ngày, phát biểu trên Đài truyền hình LCI, Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết nước này đã nhận đủ liều vaccine ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho 15 triệu người (gần 25% dân số) vào cuối tháng 6 tới.
Trước đó, ngày 22/2, số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt tại Pháp đã tăng lên 3.407 người. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 3/12/2020, số bệnh nhân COVID-19 thể nặng vượt quá 3.400 người. Trong khi đó, số ca nhiễm mới theo ngày trung bình trong một tuần lại tăng lên mức cao nhất trong 17 ngày qua.
* Trong khi đó, cùng ngày 24/2, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sachez thông báo trong quý II/2021 có thể nhận số lượng vaccine nhiều gấp 4 lần so với quý I. Cho đến nay, gần 2 triệu người dân Tây Ban Nha đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Giới chức Madrid hy vọng đến cuối mùa Hè này sẽ có 70% dân số được chủng ngừa.
* Ngày 24/2, Viện Dược phẩm và trang thiết bị y tế liên bang Đức, cơ quan quản lý hoạt động mua bán và sử dụng dược phẩm của Đức, đã phê chuẩn 3 bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sử dụng tại nhà. Đây là một phần trong chiến lược của Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nhằm đẩy nhanh công tác xét nghiệm đại trà với mục tiêu đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu này thoát khỏi lệnh phong tỏa đang được áp đặt kể từ giữa tháng 12/2020.
Ba bộ xét nghiệm phát hiện kháng nguyên này do các hãng Healgen Scientific, Xiamen Boson Biotech và Hangzhou Laihe Biotech sản xuất để cho những người không có chuyên môn về y tế có thể sử dụng.
Trước đó, ngày 23/2, trong cuộc họp với các thành viên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Thủ tướng Angela Merkel cho biết việc sản xuất thêm các bộ xét nghiệm nhanh và tăng công suất xét nghiệm có thể sớm đưa nước Đức trở lại cuộc sống bình thường.
Trong những tuần đầu tiên của năm 2021, tỷ lệ lây nhiễm tại Đức đã giảm mạnh, song mức giảm này đã chấm dứt trong những ngày gần đây. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy Đức có thể gặp khó khăn trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế khi lệnh phong tỏa dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 7/3 tới.
Theo Viện Dịch tễ Robert Koch, ngày 24/2, Đức ghi nhận thêm 8.007 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 2.402.818 ca. Trong 7 ngày qua, tỷ lệ lây nhiễm tại nước này là 59,3 ca/100.000 dân, tăng so với tỷ lệ 57 ca/100.000 dân của một tuần trước đó.
Không chỉ Đức, một số nước châu Âu khác cũng tăng cường sử dụng các bộ xét nghiệm tại nhà. Tại Áo, các bộ tự xét nghiệm còn được đưa vào sử dụng trong trường học và từ tuần tới, các hiệu thuốc sẽ cung cấp miễn phí cho người dân.
Tại Anh, trong tháng này, các tình nguyện viên và cảnh sát đã bắt đầu tới từng nhà dân để cấp phát các bộ xét nghiệm kiểu này.
* Cùng ngày, Ghana đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp nhận vaccine được phân phối theo sáng kiến COVAX - chương trình phân phối vaccine công bằng do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng dành cho các nước nghèo.
Theo đó, 600.000 liều vaccine AstraZeneca do Viện Serum sản xuất đã được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vận chuyển bằng máy bay tới sân bay quốc tế Kotoka của Ghana vào sáng 24/2. Ghana là một trong 92 nước tham gia chương trình COVAX. Dự kiến quốc gia Tây Phi này sẽ bắt đầu tiêm chủng từ ngày 2/3 tới, ưu tiên nhân viên y tế, người trên 60 tuổi...
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Ghana đã ghi nhận 81.245 bệnh nhân COVID-19, trong đó 584 người đã tử vong.
Được khởi động từ tháng 4/2020, chương trình COVAX đặt mục tiêu từ nay tới cuối năm sẽ phân phối 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước đang phát triển.