Theo báo Mỹ Politico ngày 9/1, các quan chức Hungary đã đặt điều kiện để không phủ quyết gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro của EU dành cho Ukraine. Cụ thể là số tiền này sẽ được phân bổ trong thời gian 4 năm và phải được đem ra đánh giá hàng năm, trải qua các cuộc bỏ phiếu thông qua để xem có được cấp tiếp hay không. Đề xuất của Budapest đã được trình bày trong cuộc họp của 27 chuyên gia ngân sách của EU tổ chức vào ngày 5/1 vừa qua.
Trước đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã chặn gói viện trợ Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh tháng 12/2023 của Hội đồng châu Âu (EC). Các nhà lãnh đạo EU đã gây sức ép, hy vọng buộc ông Orban phải thay đổi quyết định trước cuộc họp ngày 1/2 tới của khối.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Hungary cảnh báo Budapest có thể cản trở quá trình Ukraine gia nhập EU.
Trước đề xuất từ Budapest, các nhà ngoại giao EU nói với tờ Politico rằng điều kiện mà Hungary đưa ra sẽ không giúp Ukraine trong dự báo tài chính. Một nhà ngoại giao chỉ ra chương trình viện trợ sẽ được tài trợ thông qua ngân sách 7 năm của EU nên về căn bản, họ không thể thực hiện việc đánh giá hàng năm.
Kế hoạch viện trợ của EU rơi vào bế tắc cùng thời điểm Mỹ cạn dần nguồn viện trợ dành cho Ukraine. Kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden cung cấp thêm 61,4 tỷ USD cho Ukraine như một phần của dự luật chi tiêu khẩn cấp trị giá 106 tỷ USD đang bị đình trệ tại Quốc hội. Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa cho rằng Tổng thống Joe Biden thiếu một chiến lược rõ ràng để chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine và việc gửi vũ khí cho nước này chỉ kéo dài xung đột.
Bên cạnh đó, quan chức EU lo ngại Thủ tướng Orban có thể mở rộng sức ảnh hưởng hơn nữa đối với EU nếu Hungary đảm nhận chức chủ tịch luân phiên EC và dự kiến Chủ tịch EC Charles Michel rời khỏi vị trí này vào cuối năm nay. Một kịch bản như vậy có thể xảy ra nếu các nhà lãnh đạo EU không nhanh chóng tìm ra người thay thế ông Michel, mở ra cơ hội cho Thủ tướng Orban tiếp quản EC từ tháng 7 đến tháng 12.