Công dân Hong Kong (Trung Quốc) Eric Lee Tsun-lung cho biết anh đã tham gia ít nhất 50 chuyến du lịch trên biển bằng du thuyền. Người đàn ông 36 tuổi bày tỏ niềm đam mê với hình thức du lịch này từ khi còn nhỏ và mong chờ sớm được quay trở lại nghỉ dưỡng trên những chiếc du thuyền sau khi dịch bệnh tạm lắng.
Chia sẻ với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Eric cho hay lần đầu tiên anh đi du thuyền là cùng với bố mẹ. Đó là một chuyến đi 3 ngày 2 đêm trên con thuyền hạng sang Star Pisces xuất phát từ Hong Kong tới Thiên Môn (tỉnh Phúc Kiến ở đông nam Trung Quốc).
“Tôi yêu mọi thứ về du thuyền”, Lee hào hứng chia sẻ về kế hoạch sẽ có các chuyến đi kết hợp máy bay-du thuyền để tới Mỹ và châu Âu.
Mặc dù có những người hâm mộ trung thành như anh Lee song giới chuyên gia nghi ngờ số lượng du khách tìm đến loại hình này sẽ khó có thể trở lại như trước khi lệnh “đóng băng” ngành du thuyền vì đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chính phủ và giới chức y tế các nước đã ban hành các sắc lệnh “cấm thuyền”, nhiều cảng biển từ chối cho du thuyền cập cảng trong khi truyền thông thì đồng loạt đưa tin về các ổ dịch nghiêm trọng trên du thuyền. Thế giới sẽ không thể nào quên được con thuyền hạng sang Diamond Princess bị cách ly ngoài khơi tỉnh Yokohama (Nhật Bản) với trên 700 du khách dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 13 người đã tử vong.
Tiếp đến, du thuyền "chị em" với Diamond Princess, chiếc Grand Princess ngoài khơi Oakland cũng không tránh khỏi tai họa khi hàng chục người trên tàu mắc COVID-19. Tàu Ruby Princess chịu điều tiếng khi bị coi là nguồn lây bệnh lớn nhất Australia.
Tính đến thời điểm hiện tại, hàng nghìn thủy thủ vẫn mắc kẹt trên các du thuyền lênh đênh ngoài biển. Không phải công ty điều hành du thuyền nào cũng có thể nói chính xác bao giờ ngành du lịch này mới nối lại hoạt động, song một số công ty đã rục rịch nối lại các chuyến đi trong tháng 8 hoặc tháng 9 tới.
Ông Joel Katz – Giám đốc quản lý khu vực châu Á và Australia thuộc Hiệp hội Du thuyền Quốc tế (CLIA) – cho hay trong thời gian gián đoạn toàn cầu, các công ty đều nỗ lực làm việc để đưa ra một phạm vi mới cho du thuyền hoạt động một khi được phép hoạt động trở lại. Phần lớn các công ty vận hành sẽ đưa ra các gói giảm giá sâu, dành nhiều ưu đãi, quy trình thay đổi lịch trình dễ dàng cho những hành khách mà các chuyến đi trước đó bị hủy vì bệnh dịch.
“Mặc dù kế hoạch chi tiết chưa đi đến bước thống nhất cuối cùng, song chúng tôi mong rằng hoạt động du thuyền tại một vài thị trường có thể dần dần nối lại, vì tình hình COVID-19 tại mỗi nước là khác nhau”, ông Katz chia sẻ.
Một trong những chiếc du thuyền đầu tiên dự kiến rời khỏi Hong Kong giai đoạn hậu COVID-19 là du thuyền Voyager of the Seas của tập đoàn Royal Caribbean International. Du thuyền này sẽ khởi hành vào ngày 12/7 tới trong hành trình 3 ngày đi đến Thượng Hải. Với giá vé 330 USD/người cho phòng nghỉ cabin không cửa sổ, du thuyền Thượng Hải này được liệt kê trên website của tập đoàn Royal Caribbean. Tuy nhiên, tập đoàn này từ chối xác nhận hay bình luận về kế hoạch “tái xuất” của du thuyền.
Theo thống kê của CLIA, trước khi COVID-19 xuất hiện, mỗi năm ngành du thuyền tiếp nhận trên 30 triệu du khách. Tuy nhiên, sau đại dịch, các nhà điều hành lo ngại du khách có thể vẫn ngần ngại chưa muốn quay lại hình thức nghỉ ngơi trên biển này.
Giám đốc Katz cho hay diễn biến cũng như sự hiểu biết của thế giới về dịch bệnh COVID-19 thay đổi gần như mỗi ngày, nên việc xây dựng chiến lược để khôi phục ngành gặp rất nhiều khó khăn. “Ngành du thuyền đang thực hiện một lối tiếp cận toàn diện để lập kế hoạch, xem xét tất cả các khía cạnh trải nghiệm của hành khách. Chúng tôi sẽ phối hợp với chính phủ và các cơ quan y tế công cộng đồng thời tuân thủ hướng dẫn từ các chuyên gia”, ông Katz giải thích.
Một số công ty chủ quản cho biết sẽ áp dụng loạt biện pháp mới để đối phó với bệnh dịch, trong đó có lắp đặt hệ thống lọc khí tiêu chuẩn y tế trên du thuyền, kiểm tra sức khỏe hành khách trước khi rời tàu, làm các công tác khử trùng, điều động một lượng lớn nhân viên y tế, cung cấp khu vực cách ly, giới hạn lượng khách lên tàu…
Một số chuyên gia chỉ ra nếu như giới hạn lượng khách trên tàu, các công ty sẽ bị ảnh hưởng về lợi nhuận. Tuy nhiên, theo anh Lee, anh rất tin tưởng vào những công ty này. "Tôi chắc chắn họ sẽ đảm bảo vấn đề vệ sinh trên du thuyền và ngăn ngừa virus, có thể ít khách trên tàu hơn, thay đổi cách phục vụ bữa ăn trên tàu. Nhưng tôi không lo lắng về điều đó", Lee vui vẻ chia sẻ.