Quy định mới nhất này nằm trong một loạt các biện pháp hạn chế nhằm cứu vãn mùa du lịch hè của Hy Lạp. Quy định này cũng sẽ được áp dụng đối với khách hàng tại các hộp đêm, rạp chiếu phim và rạp hát. Tuy nhiên, thực khách dùng bữa ở ngoài trời sẽ không cần có chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Phát triển Hy Lạp Adonis Georgiadis nhấn mạnh "điều quan trọng là không được tạo ấn tượng rằng chúng ta đang không thể kiểm soát đại dịch nhằm đảm bảo ngành du lịch có thể tiếp tục phát triển và hoạt động bình thường. Ông lưu ý tình hình kinh tế Hy Lạp sẽ phụ thuộc vào việc người dân tuân thủ các biện pháp hạn chế và kiểm soát dịch bệnh.
Vốn dựa khá nhiều vào ngành du lịch, Hy Lạp đang tìm phương pháp để mở lại toàn bộ nền kinh tế. Nước này đã thông qua việc tiêm vaccine cho người trưởng thành thuộc mọi nhóm tuổi. Tới nay, đã có khoảng 41% người Hy Lạp được tiêm đủ liều vaccine. Khách du lịch cần xuất trình chứng nhận đã tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính mới được nhập cảnh.
Tuần này, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết các nhân viên y tế và nhân viên tại các viện dưỡng lão sẽ phải tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cụ thể, tới ngày 16/8, các nhân viên tại viện dưỡng lão sẽ phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.
Tới ngày 1/9, các nhân viên y tế tại toàn bộ bệnh viện, phòng khám và trung tâm chẩn đoán trên cả nước sẽ phải tiêm ít nhất 1 mũi. Những ai không tuân thủ sẽ bị đình chỉ công tác hoặc không được trả lương. Các phòng khám vi phạm cũng sẽ bị phạt tới 50.000 euro (gần 59.000 USD).
Trong ngày 13/7, Hy Lạp ghi nhận 3.109 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 444.783 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng đã lên tới 12.806 ca.
Trong khi đó, Malta đã hủy bỏ kế hoạch ban hành lệnh cấm mọi du khách nhập cảnh vào nước này nếu họ chưa được tiêm đầy đủ vacccine ngừa COVID-19, chỉ vài giờ trước khi lệnh này có hiệu lực vào ngày 14/7.
Thay vào đó, nước này sẽ áp dụng cách ly đối với những hành khách chưa được tiêm chủng. Những người này phải đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ được nêu trong danh sách cụ thể gồm các nước trong Liên minh châu Âu (EU), Anh, một số khu vực của Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Thời gian cách ly chưa được công bố dù Malta hiện yêu cầu những người đến từ một số quốc gia thuộc "vùng đỏ" (khu vực nguy cơ cao) phải tự cách ly 14 ngày.
Malta được đánh giá là một trong những quốc gia châu Âu đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng, với khoảng 80% dân số trưởng thành được tiêm đủ liều vaccine. Tuy nhiên, sau khi không ghi nhận các ca mắc mới và chỉ có 28 bệnh nhân đang được điều trị vào ngày 27/6, đảo quốc ở Địa Trung Hải này ngày 10/7 đã ghi nhận 96 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 252 ca.