Ngày 22/2, Công ty đánh giá tín nhiệm Fitch đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp xuống hai nấc, từ mức CCC xuống còn C, đồng thời nhận định khả năng nước này bị vỡ nợ trong "thời gian ngắn" tới là rất cao.
Theo Fitch, Hy Lạp rất có thể sẽ mất khả năng đáp ứng nghĩa vụ tài chính, ngay cả sau khi nhận được gói cứu trợ mới của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trị giá 130 tỷ euro (tương đương 172 tỷ USD).
Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papandemos khẳng định rằng Hy Lạp vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi có thể nhận được gói cứu trợ thứ hai dành cho nước này trong vòng hai năm qua. Hiện nay, các ủy ban chuyên môn trong Quốc hội Hy Lạp đang "chạy đua" với thời gian để hoàn tất các dự luật phải được ban hành nhằm nhận được khoản cứu trợ mới.
Đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ tại Aten, Hy Lạp ngày 12/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, tại thủ đô Aten, làn sóng phản đối chính phủ chấp nhận các điều khoản "thắt lưng buộc bụng" để nhận gói cứu trợ thứ hai nói trên vẫn tiếp tục dâng cao.
Ngày 22/2, cảnh sát Hy Lạp đã buộc phải bắt giữ 60 người trong một cuộc biểu tình tại trung tâm thủ đô, là đại diện của các tổ chức công đoàn và một số đảng phái cánh tả. Nguồn tin cho biết tại quảng trường dẫn tới trụ sở Quốc hội nước này, có khoảng 6.500 người tập trung biểu tình để phản đối các biện pháp khắc khổ mà chính phủ Hy Lạp áp dụng như cắt giảm lương, lương hưu và việc làm...
TTXVN/Tin Tức