Dự thảo Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) ngày 12/7 cho biết khối này tính toán tới cuối tháng 8/2015, Hy Lạp cần khoảng 19 tỷ euro cho nhu cầu tài chính ngắn hạn của nước này. Eurogroup cũng yêu cầu Chính phủ Hy Lạp tiến hành sửa đổi cải thiện thêm các biện pháp cải cách.
Bản dự thảo tuyên bố nêu trên là nền tảng cơ bản cho các cuộc thảo luận của các nhóm làm việc trong ngày 12/7 và đây cũng là nội dung cho Hội nghị Eurogroup cùng ngày. Theo dự thảo, Eurogroup kêu gọi Chính phủ Hy Lạp cần có thêm nhiều biện pháp vượt khỏi khuôn khổ những đề xuất cải cách hiện nay.
Gói biện pháp đầu tiên cần được Quốc hội Hy Lạp thông qua trước ngày 16/7 để tăng cường lòng tin về tinh thần sẵn sàng cải cách của Chính phủ Hy Lạp. Việc xúc tiến đàm phán về gói cứu trợ thứ ba sẽ chỉ được thực hiện khi Athens gắn với những cải cách như đã yêu cầu. Trong khi đó, việc xóa hay trừ nợ cho Hy Lạp không được nhắc tới trong bản dự thảo. Eurogroup cũng dự định kéo dài việc hoãn trả nợ với thời hạn trả nợ dài hơn nhằm giải quyết "núi nợ" của Hy Lạp.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos (phải) và Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu ở Brussel ngày 12/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoài ra, Eurogroup cũng yêu cầu Hy Lạp củng cố hệ thống thuế quan của nước này nhằm nâng cao nguồn thu của nhà nước, thực hiện tự do hóa hơn nữa thị trường nội địa và thực thi các khuyến cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Bên cạnh đó, Hy Lạp cần đẩy mạnh việc tự do hóa thị trường lao động, củng cố lĩnh vực tài chính thông qua việc thực thi các quy định của Liên minh châu Âu (EU). Biện pháp tiến hành có thể thực hiện theo đề xuất của Chính phủ Đức, theo đó tạo một quỹ tín thác với các tài sản của Hy Lạp trị giá khoảng 50 tỷ euro nhằm giảm khoản nợ khồng lồ của nước này.
Eurogroup tính toán Hy Lạp cần có 7 tỷ euro trong tháng 7 này và 12 tỷ euro trong tháng 8/2015. Tuy nhiên, hiện chưa rõ số tiền này sẽ lấy từ đâu.
Hy Lạp tạm rời Eurozone nếu "không chịu khắc khổ"
Báo "Tiêu điểm" của Đức ngày 12/7 đã cập nhật các yêu cầu cải cách của các đối tác khu vực Eurozone mà Quốc hội Hy Lạp cho tới ngày 15/7 phải thông qua để cứu vãn cuộc khủng hoảng nợ của nước này.
Theo kế hoạch nêu trên, Hy Lạp phải nâng thuế giá trị gia tăng trong lĩnh vực dịch vụ và thực phẩm; tiến hành cải cách toàn diện lương hưu (trong đó quy định độ tuổi về hưu từ 67 tuổi); cải cách thuế toàn diện (nâng cao thuế với các hàng xa xỉ); luật hóa sự độc lập của các tổ chức thống kê; cắt giảm chi tiêu trong lĩnh vực hành chính; tư nhân hóa công ty điều hành mạng lưới điện quốc gia ADMIE; luật hóa sự độc lập của công ty phụ trách tư nhân hóa quốc gia TAIPED; chịu sự kiểm toán của các thể chế quốc tế như nhóm bộ 3 chủ nợ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trong khi đó, theo các số liệu đã được điều chỉnh mới nhất trong kiến nghị của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup) gửi các nhà lãnh đạo Eurozone, Hy Lạp cần có nhu cầu tài chính cho chương trình cứu trợ thứ ba từ 82-86 tỷ euro, cao hơn mức 74 tỷ euro được đưa ra trước đó. Ngoài ra, các bộ trưởng tài chính Eurozone còn thêm vào 1 phương án Hy Lạp tạm thời rời khỏi Eurozone nếu nước này không đồng ý với thỏa thuận cứu trợ.
Phản ứng với các đề xuất nêu trên của các đối tác Eurozone, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói rằng ông không ngờ Eurogroup lại đưa ra những kế hoạch khắc khổ cứng rắn như vậy. Hiện vấn đề Hy Lạp có 2 khả năng xảy ra. Thứ nhất, nếu các nhà lãnh đạo Eurozone đạt được thống nhất về vấn đề Hy Lạp, thì Athens sẽ có thời hạn tới ngày 15/7 phải thông qua các kế hoạch cải cách ở Quốc hội nước này. Sau đó chậm nhất vào 16/7 có thể tiến hành hội nghị của Eurogroup cũng như hội nghị thượng đỉnh Eurozone. Trong trường hợp thứ hai không thể đạt được đồng thuận, các nhà lãnh đạo eurozone sẽ thông qua kịch bản "Grexit".