Khách sạn 3 sao trên đảo Crete của bà Chryssa Vertakis đã kín phòng đặt trước trong mùa Hè này, song khách của bà sẽ phải ăn uống ở chỗ khác vì khách sạn không có đầu bếp.
Giống như những chủ khách sạn khác trên khắp Hy Lạp, bà Vertakis đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực một cách trầm trọng sau hai năm đại dịch buộc những người làm việc trong ngành phục vụ và du lịch đi tìm công việc khác.
Ngành du lịch Hy Lạp, đóng góp 1/4 cho thu nhập quốc gia, phụ thuộc phần lớn vào lực lượng lao động nước ngoài làm các công việc như bồi bàn, nhân viên vệ sinh và đầu bếp.
“Nhiều người dọn dẹp quốc tịch Bulgary tại khách sạn Alexia Beach đã quay về nước trong đợt phong tỏa năm ngoái, và họ vẫn chưa quay trở lại”, bà Vertakis trả lời phỏng vấn hãng tin AFP.
Bên cạnh đó, người dân Hy Lạp cũng đi tìm công việc thuộc các lĩnh vực khác do không mấy mặn mà với những công việc tay chân, làm nhiều giờ mà lương thấp.
“Những người làm việc thời vụ không thể kiếm thu nhập để nuôi gia đình trong 3-4 tháng mỗi năm”, Nikos Kokolakis – Chủ tịch Hội Lao động Khách sạn tại thủ phủ Iraklio – nói.
Công đoàn nhà hàng Hy Lạp cũng cho biết không có gì ngạc nhiên khi những người lao động không mong muốn một công việc mà nhà tuyển dụng "yêu cầu 10 đến 12 giờ làm việc mỗi ngày, không có ngày nghỉ với mức lương chỉ 700 euro/tháng”.
Ông Andreas Andreadis, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các doanh nghiệp du lịch Hy Lạp (SETE), cảnh báo ngành du lịch của Hy Lạp hiện thiếu hơn 50.000 nhân viên chủ yếu là đầu bếp và phục vụ. "Chất lượng ngành du lịch đang gặp nguy hiểm", ông Andreadis đăng trên Twitter đầu tháng này.
Tình trạng thiếu nhân lực có nguy cơ cản trở mọi nỗ lực khôi phục ngành du lịch, đặc biệt là khi chính phủ Hy Lạp quyết định mở cửa vào tháng 3, sớm hơn hai tháng so với năm 2021.
Trong một nỗ lực để thúc đẩy hơn nữa số lượng du khách đến với Hy Lạp, hồi tháng 2, chính phủ dỡ bỏ quy định xét nghiệm bắt buộc đối với những du khách có chứng chỉ tiêm chủng của châu Âu.
Thẻ thông hành vaccine cũng không còn áp dụng đối với nhà hàng, quán bar và các cửa hàng từ ngày 1/5, trong khi quy định đeo khẩu trang trong nhà cũng sẽ được dỡ bỏ từ ngày 1/6.
Bà Vertakis cho hay quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế đã làm dấy lên hy vọng ngành công nghiệp không khói sẽ quay trở lại như năm 2019, khi 33 triệu khách du lịch đã đến Hy Lạp. "Tuy nhiên, tình trạng không có nhân viên đã trở thành một vấn đề lớn”, bà chỉ ra.
Nektarios Seremetis, người quản lý các nhà hàng và quán bar tại khu nghỉ dưỡng Thalassa Beach Resort, cho hay họ đang thiếu 3 nhân viên phục vụ. “Những người từng làm việc cho chúng tôi vào năm 2019 đã rời đi và tìm việc làm ở đảo Síp hoặc Italy. Những chỗ đó trả lương cao hơn”.
Tháng trước, Bộ trưởng Du lịch Vassilis Kikilias cho rằng một số vị trí đang thiếu có thể được lấp đầy từ những người trong số 22.000 người di tản Ukraine. Nhà quản lý Seremetis cho hay ông không phản đối ý tưởng này, miễn là những người Ukraine có thể nói tiếng Anh.
Xung đột Nga-Ukraine là một nguyên nhân khiến số lượng du khách tới Hy Lạp không được cao như kỳ vọng. Theo thống kê của Liên đoàn các đơn vị lữ hành Hy Lạp, cuộc chiến tại Ukraine đã khiến khoảng 600.000 du khách Nga và 240.000 du khách Ukraine hủy các tour đặt trước đó.
Tại khách sạn Chryssi Akti trên đảo Crete, anh Alexandros Pantelakakis – nhân viên phụ trách phục vụ ghế dài trên bãi biển – đã nộp đơn thôi việc. Anh Pantelakakis cho biết anh cũng như nhiều đồng nghiệp khác trong ngành không nhận được đủ hỗ trợ từ chính phủ để ứng phó với đại dịch.
"Họ không đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội trong hai năm qua để nhận trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, khi mùa du lịch năm 2020 và 2021 bị gián đoạn, nhiều người đã phải tìm việc làm ở nơi khác”, anh chia sẻ.
Tuần trước, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis thông báo tăng 50 euro đối với mức lương tối thiểu hàng tháng lên 713 euro kể từ ngày 1/5. Tuy nhiên, anh Pantelakakis coi đây là một "hạt cát trên sa mạch" do chi phí sinh hoạt tăng. Theo cơ quan dữ liệu Eurostat của EU, lạm phát ở Hy Lạp là khoảng 8%.